Banner header Meliponini JiChi Viet Nam
Ong dú - Stingless bee

[Tài liệu nuôi ong dú] Cấu trúc trong tổ ong dú có gì đặc biệt

 Nguyễn Hữu Trực   |    Ngày 14/05/2021

Có rất nhiều người nuôi ong dú họ quan sát tổ của chúng mỗi ngày, nhưng họ còn chưa biết được ý nghĩa của những thứ mà ong dú xây dựng bên trong tổ.

Hiểu được những ý nghĩa này và áp dụng vào trong quá trình chăm sóc các tổ ong, bạn sẽ có thể sáng tạo hơn trong cách nuôi ong không ngòi đốt của mình.

NÀO, bây giờ hãy cùng Ong dú JiChi bắt đầu bài học hôm nay với những thứ tưởng chừng như đơn giản nhưng lại vô cùng thú vị. Let's go.

có gì bên trong tổ ong dú - native bees

Ong dú xây tổ bằng những vật liệu gì?

Nhựa cây

Trong tự nhiên, nhựa cây được cây tiết ra với mục đích là tự chữa lành các vết thương trên thân và da cây.

Vì thực vật dùng nó để tự chữa lành các vết thương nên nhựa cây có độ dính, tính kháng khuẩn và chống nước rất cao.

Những con ong không ngòi đốt biết được điều này, chúng thu thập nhựa cây về tổ, và dùng nó làm vật liệu xây dựng chủ yếu cho tổ ong của mình.

Các loại nhựa thực vật chứa hai nhóm hóa chất được con người đặc biệt quan tâm đó là flavonoid và terpenoid.

Hợp chất Flavonoid nổi tiếng với khả năng kháng khuẩn, và giúp ngăn chặn sự phát triển của các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài xâm nhập vào.

Nếu không có Flavonoid, các tác nhân gây bệnh và nấm móc sẽ phát triển mạnh trong các túi chứa thức ăn trong tổ ong dú, với điều kiện môi trường thuận lợi ấm và ẩm trong tổ ong.

Còn họat chất Terpenoids được biết là có tác dụng đẩy lùi kiến và kẻ thù khác xa các tổ ong không ngòi đốt.

ong dú mang keo ong (nhựa cây) trên hai chân sau về tổ

Thiên nhiên thật kỳ diệu

Điều đặc biệt là với các loài ong không ngòi đốt kể cả ong đơn độc, chúng đều không bị dính bởi các loại nhựa thực vật này.

Nhưng ngược lại, các loài côn trùng khác, kể cả kiến, là họ hàng gần nhất của họ nhà ong lại bị dính trong nhựa.

Sáp ong

Mọi người thường nghĩ rằng, ong dú không xây dựng tổ của chúng bằng sáp ong. Nhưng thực tế không phải vậy, chúng vẫn sử dụng sáp ong để làm vật liệu xây dựng tổ.

Với ong dú, tuyến tiết sáp nằm ở vị trí khác so với ong mật. Nếu ong mật tuyến sáp nằm ở mặt dưới của bụng ong, thì ong dú tuyến tiết sáp lại nằm ở mặt trên của bụng ong thợ.

đặc điểm sinh học của ong dú, tuyến tiết sáp ở ong thợ

>>> Xem nhiều hơn về cấu tạo của cơ thể ong tại đây.

Sáp của ong không ngòi đốt là một thứ có màu trắng và chuyển dần sang màu vàng, nhưng mềm hơn và có điểm nóng chảy thấp hơn so với sáp ong mật.

Sáp được tạo ra bởi các giống ong khác nhau sẽ có màu sắc khác nhau và điểm nóng chảy khác nhau.

Ví dụ: Lisotrigona cacciae và loài  Lisotrigona carpenteri sản xuất ra loại sáp ong có màu sắc sẫm màu hơn.

Với giống Lisotrigona furva và Tetragonula laeviceps mà nó tạo ra sáp có màu vàng tươi, hoặc màu kem nhạt hoặc màu trắng.

đặc điểm của ong mật tuyến sáp nằm dưới bụng ong thợ

Keo ong

Ong không ngòi đốt (điển hình là ong dú) sử dụng keo ong (hỗn hợp sáp ong và nhựa cây) làm vật liệu xây dựng của chúng.

Nhựa rất dính khi mới vừa tiết ra, nhưng nó sẽ cứng dần theo thời gian. Sáp thì mềm hơn và giữ được trạng thái mềm của nó trong nhiều năm.

Một chất có màu sắc tối hơn được hình thành bằng cách trộn hai loại vật liệu này với nhau để làm vật liệu xây dựng các tổ ong không ngòi đốt.

Hỗn hợp này còn được gọi là "cerumen" ở một số tài liệu về ong không ngòi đốt khác. Nhưng thuật ngữ “keo ong” được sử dụng phổ biến và nhiều người biết đến hơn.

tập tính của ong không ngòi đốt, dự trữ nhiều keo ong trong tổ

>>> Xem thêm các thuật ngữ dùng trong nghề nuôi ong dú tại đây.

Keo ong là một hỗn hợp tuyệt vời để làm vật liệu xây dựng, nó cứng theo thời gian và không thấm nước.

Nó còn có công dụng ức chế sự phát triển của vi sinh vật và ngăn chặn kẻ thù xâm nhập vào ổ ong.

Tuy nhiên trong một vài thành phần kiến trúc trong tổ ong, ong dú có thể trộn thêm bùn, cát, lá cây .v.v. để làm hoàn thiện, chắc chắn và bảo vệ tổ của chúng trước các kẻ thù khác.

>>> Cách ong dú thu thập keo ong, mật hoa và phấn hoa bên ngoài thiên nhiên như thế nào. Xem thêm.

Cấu trúc phòng thủ của các tổ ong không ngòi đốt

Ở các loài ong có hành vi sống theo một xã hội cao cấp tạo ra các sản phẩm rất phong phú, vô tình đây là miếng mồi ngon của các thiên địch khác luôn rình mò bên ngoài tổ ong.

Không có gì phải ngạc nhiên khi ong đã phát triển một số cách phòng thủ chống lại những kẻ thù này, như ong mật chủ yếu dựa vào ngòi đốt của chúng để tự vệ.

Còn với các loài ong không ngòi đốt, vì không có kim để chích nên chúng tạo ra một loạt các cơ chế phòng thủ thay thế.

Như tạo ra một lớp tường tổ, xây dựng các ống dẫn vào bên trong tổ của mình, và tăng cường sử dụng keo ong nhiều hơn trong các cấu trúc ổ ong.

tổ ong được bao bọc trong một lớp tường cứng (Batumen)

Với ong mật chúng có thể chủ động tìm các nơi làm tổ khác mà có thể giúp chúng tự vệ được tốt hơn.

Nếu chúng thấy rằng nơi chúng làm tổ tồn tại mối đe dọa và nguy hiểm, chúng sẽ bốc bay (bỏ tổ đi) và tìm những nơi khác để bắt đầu xây dựng tổ lại.

Nhưng với đa số các giống ong dú thì ngược lại, ong chúa không thể bay trở lại sau khi đã đẻ. Vì thế, hành vi bốc bay không tồn tại trong các tổ ong không ngòi đốt.

Vì vậy, mà trong quá trình tiến hóa về đặc điểm sinh học của các loài ong dú, chúng chú trọng vào việc phát triển mạnh các rào cản vật lý mạnh mẽ xung quanh tổ của chúng.

>>> Quá trình tiến hóa của ong dú và ong mật ngày nay diễn ra như thế nào?

Trong những ngày đầu tiên xây dựng tổ mới, ong dú thường xây dựng một lớp mỏng tường tổ bằng một vật liệu gọi là batumen.

tập tính của ong dú, xây dựng lớp batumen xung quanh tổ ong

Lớp tường tổ này là một màng batumen mỏng phủ lên thành thùng, hoặc thành các bộng cây, hay nơi ong dú chọn làm tổ.

Nó củng dùng làm các vách ngăn để giới hạn thể tích của tổ và có thể nới rộng ra khi đàn ong phát triển mạnh lên sau này.

Lớp batumen này được xây dựng chủ yếu bằng keo ong, nhưng cũng kết hợp các vật liệu khác như phấn hoa, gỗ đôi khi có lẫn đất hoặc bùn.

Nó có lợi ích chống lại sự xâm nhập của các kẻ thù tự nhiên, và cách ly tổ ong với các yếu tố môi trường như gió, nắng, mưa, bụi.

Lớp tường này là một công việc luôn luôn được thực hiện trong suốt quá trình phát triển của đàn ong, chúng liên tục thêm vào và làm dày lên theo thời gian.

Trong các tổ ong đã có tuổi đời lên hàng chục năm, lớp tường này có thể dày vài centimet và rất cứng. Lớp batumen này chủ yếu dày ở phần đầu và phần cuối của tổ.

Khi gỗ xung quanh tổ bị mục và bể ra, lớp tường tổ này là tất cả những gì còn lại giữa tổ ong và thế giới bên ngoài.

cấu trúc bên ngoài của tổ ong không ngòi đốt

Ứng dụng trong cách làm ra một thùng nuôi ong dú phù hợp 

Quan sát thực tế thấy rằng, trên lớp tường tổ thường có có các lỗ được đục thông vào bên trong tổ ong nhằm mục đích thông gió (Hình 4-11).

Và biết được rằng, ong dú dùng batumen để ngăn thành các phòng riêng biệt nhằm giới hạn lại không gian, thể tích tổ bên trong và mở rộng ra khi đàn ong phát triển mạnh lên.

Vì vậy, một thiết kế đúng để làm ra thùng nuôi ong tốt nhất với thể tích thích hợp cho những con ong dú.

Đó là phải làm ra một thùng nuôi có thể tích phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đàn ong, và phải có các lỗ thóat khí như tổ ong trong tự nhiên.

thùng nuôi ong dú tầng kế, thiết kế tự động chảy mật

>>> Xem kỹ thuật làm thùng nuôi ong dú đúng chuẩn và hiện đại tại đây.

Một lối vào tổ an toàn

Một nơi quan trọng thứ hai cần phải được bảo vệ đó là lối ra vào của tổ ong.

Với ong mật hành vi thu nhỏ lối vào rất ít khi được nhìn thấy, nhưng với những chú ong dú của chúng ta điều này lại là mối quan tâm lớn với chúng.

Ong dú ưu tiên xây dựng lối vào tổ ong và thu hẹp chúng nhỏ dần vào bên trong, nó là công việc luôn được ưu tiên hàng đầu trong những ngày đầu mới tiếp nhận nơi ở mới.

vòi trước cửa tổ của tổ ong stinlgess bee

>>> tìm hiểu về ong dú, tại sao các tổ ong dú lại có vòi.

Ong không ngòi đốt dùng cerumen để xây dựng và giảm kích thước của lối vào tổ để phù hợp với kích thước tổ và cơ thể của chúng. 

Kích thước phổ biến của  các ống dẫn vào tổ ong này nằm trong khoảng 5 mm – 10 mm đường kính (Hình 4-3, Hình 4-13) (Hình 4-14).

Lối vào tổ được thu hẹp bằng một đường ống, có tác dụng cho phép những ong thợ làm nhiệm vụ bảo vệ tổ ong kiểm tra được những con ong vào và ra của tổ.

Ong thợ bảo vệ đứng xếp thành một hàng chờ ở lối vào, và dọc theo ống dẫn vào tổ để kiểm tra bất kỳ đối tượng nào đến và ngăn chặn kịp thời những sinh vật không được phép vào tổ ong.

Củng có một số loài mở rộng lối vào trước cửa tổ của chúng bằng các hạt nhựa cây còn mới và dính, để dính bất cứ những kẻ lạ mặt nào không được chào đón xâm nhập vào ổ ong.

lối vào của tổ ong không ngòi đốt trên bức tượng và trong bọng cây

thiết kế đường đi và thông gió trong tổ ong dú

Trong các tổ ong không ngòi đốt luôn có các đường đi, là nơi ong dùng để di chuyển qua lại giữa các khu vực với nhau, và nó củng có tác dụng là các ống thông gió cho toàn bộ ổ ong. (Hình 4-16).

Đường đi này cho phép những con ong dú của chúng ta đi từ điểm A đến điểm B với ít trướng ngại vật nhất.

Không gian này luôn được chừa lại dù rằng tổ ong đã hết khoảng trống để chứa trứng ong, mật ong và phấn ong.

cấu tạo bên trong tổ ong dú, đường đi và các ống thông gió

Các túi dự trữ mật ong và phấn hoa

Như đã biết, ong dú lấy cả mật hoa và phấn hoa từ môi trường bên ngoài, khi mang về tổ, mật hoa và phấn hoa được tích trữ trong các túi riêng biệt mà không phải trộn lẫn vào nhau.

ong dú đang ăn phấn hoa và mang phấn hoa trên bông hoa

Ong dú có đặc tính là dự trữ mật ong và phấn hoa trong tổ nhiều hơn so với các loài ong mật nội địa và ong mật ngoại theo thời gian.

Các túi chứa mật ong thường tập trung ở phía sau và phía trên cùng của tổ, nhưng ngược lại với phấn hoa chúng thường được tích trữ ngay gần trước cửa ra vào của tổ ong. (Hình 4-17).

Vì trọng lượng của hai tải phấn hoa mang trên chân của ong thợ nặng hơn nhiều so với mật hoa được dự trữ trong diều ong để mang về tổ.

Vì thế mà các ong thợ ưu tiên dự trữ các túi chứa phấn hoa gần cửa ra vào nhất.

Để tránh đi một đoạn đường xa hơn và tiết kiệm được thời gian, sức lực và tăng hiệu quả làm việc của một ong thợ trong một ngày.

tập tính sinh học của ong dú dự trữ phấn hoa gần cửa ra vào

Vì mật hoa nhẹ hơn, có thể mang đi được xa hơn, nên ong dú thường dự trữ chúng ở nơi xa nhất so với lối vào trong tổ ong và củng là để tránh các kẻ thù dòm ngó thức ăn của chúng.

Các túi chứa mật và phấn này được làm bằng cerumen (sáp ong và nhựa cây), với tỷ lệ nhựa và sáp trong cerumen này khác nhau giữa các loài.

Ví dụ: Các loài Lisotrigona cacciae sử dụng một lượng lớn nhựa cây hơn và sáp ong.

Nhưng với các loài Tetragonula laeviceps sử dụng một hỗn hợp nhiều sáp hơn, gần như là sáp ong nguyên chất (Hình 4-18).

Có thể bạn chưa biết

Ong dú của chúng ta có khả năng tích trữ một lượng lớn phấn hoa nhiều hơn so với những con ong mật.

Các giống ong mật (ong nội hoặc ong ý) thường chỉ dự trữ lượng phấn hoa dùng để sử dụng làm thức ăn dự trữ trong một vài ngày bên trong tổ ong của chúng.

Nhưng những con ong không ngòi đốt có khả năng dự trữ phấn hoa lên đến vài tháng.

Khu vực dữ trữ nhựa thực vật và sáp ong

Ngoài việc tích trữ mật ong và phấn hoa, ong không ngòi đốt còn dự trữ dư ra các vật liệu xây dựng tổ của chúng như nhựa thực vật và sáp ong.

Nhựa cây được dự trữ để sử dụng sau này hoặc trong mùa mưa.

nhựa cây và keo ong được dự trữ bởi ong không ngòi đốt trong tổ

Tương tự, sáp ong không phải lúc nào củng sản xuất được bởi các ong thợ, mà chỉ các ong thợ mới lớn ở vào độ tuổi tiết sáp mới tạo ra được sáp ong có chất lượng tốt nhất và nhiều nhất.

>>> Tất cả công việc mà một con ong thợ phải đảm đương trong cả vòng đời của nó, xem chi tiết.

Chính vì thế mà ong dú ngoài việc dự trữ nhựa cây chúng còn “để dành” rất nhiều sáp ong hồng dùng khi cần thiết.

Sáp được tiết ra bởi các ong thợ đang trong độ tuổi tiết sáp, được các ong thợ khác thu hoạch và cất giữ tại các khu vực dự trữ sáp bên trong tổ ong.

Dùng để sau này trộn với nhựa thực vật để tạo thành keo ong và dùng để xây tổ.

Có thể bạn đã biết những nhiều người khác chưa biết

Sáp ong chỉ được sản xuất bởi ong thợ nhỏ tuổi, tuy nhiên, trong một vài trường hợp cấp thiết các ong thợ già vẫn có thể tiết ra được sáp ong nhưng chất lượng kém và sản lượng ít.

khác nhau giữa bên trong tổ ong không ngòi đốt với tổ ong mật

Tập tính xây dựng tổ của các giống ong mật

Với các loại ong mật, chúng chỉ xây một loại bánh tổ duy nhất, bao gồm các lỗ tổ hình lục giác nối lại với nhau, các bánh tổ này được xây theo phương thẳng đứng vuông góc với mặt đất.

Bánh tổ này ở ong mật được sử dụng cho tất cả các mục đích như dùng là nơi đẻ trứng, dùng để chứa hoặc dự trữ thức ăn (mật ong và phấn ong).

tập tính xây tổ của ong mật bằng sáp ong nguyên chất

Vị trí các lỗ tổ chứa phấn hoa ở ong mật được dự trữ gần với lỗ tổ dùng để đẻ trứng, nơi mà nó được sử dụng gần như là ngay lập tức để nuôi ấu trùng.

Mật ong được các con ong mật dự trữ ở lớp ngoài cùng của tổ ong.

Nơi nó có thể được dự trữ trong nhiều tháng, và củng nhằm mục đích không gây cản trở trong việc ong chúa đẻ trứng nếu đàn ong phát triển mạnh lên.

mật ong được ong mật dự trữ trong khung cầu ở ngoài cùng

>>> Xem nhiều hơn về cách làm tổ của giống ong mật tại "giáo trình kỹ thuật nuôi ong mật, tập tính của ong".

Có thể bạn đã thấy nhưng chưa biết

Biết được tập tính sinh học của ong mật là dự trữ mật ong ở nơi xa nhất so với khu vực đẻ trứng mà con người đã lợi dụng đặc điểm này để chồng thêm các tầng mới lên trên thùng nuôi ong cũ.

Để ong mang mật lên dự trữ trên tầng trên và khai thác được một loại mật ong sạch hơn, giá trị dinh dưỡng cao hơn và ít ảnh hưởng đến khả năng đẻ trứng và xáo trộn đàn ong ở bên dưới hơn.

Cách nuôi ong và khai thác mật ong này được gọi là “kỹ thuật nuôi ong tầng kế”, và mật ong được khai thác từ phương pháp nuôi ong này gọi là “mật ong tầng kế”

nuôi ong thùng kế và mô hình nuôi ong tầng kế

Đặc điểm xây tổ ở ong dú (ong không ngòi đốt)

Ở những con ong dú thì ngược lại, ong dú tạo ra một loại bánh tổ riêng biệt để dùng để sinh sản và một loại bánh tổ khác dùng để dự trữ thức ăn.

Cấu trúc bánh tổ nơi mà ong dú chúa đẻ trứng gồm nhiều lỗ tổ hình oval được xây tiếp xúc với nhau.

đặc điểm xây tổ của ong dú hay stingless bee

Và điều đặc biệt, các lỗ tổ chứa trứng này được sắp xếp theo nhiều cách khác nhau tùy thuộc vào từng loài như.

Thành từng cụm, xây thành từng lớp xếp thành các tầng, hoặc thành các chùm, củng có lúc là sự hỗn hợp giữa các tầng và chùm .v.v cực kỳ đa dạng.

Nhưng phổ biến nhất vẫn là các lớp bánh tổ trứng làm thành một chùm và không đồng đều nhau. Nhiều ổ trứng được nhóm lại với nhau trong một khu vực riêng của tổ được gọi là tổ trứng.

Ở một vài loài, tổ trứng này còn được bọc thêm một lớp Involucrum bên ngoài, với mục đích chính nhằm tăng cường hệ thống phòng vệ và tăng khả năng cách nhiệt cho tổ trứng bên trong.

cấu tạo của tổ trứng ong không ngòi đốt được bọc lại bởi màng keo ong mỏng

>>> Xem đầy đủ hơn về cách ong dú sinh sản với bài chia sẻ Quá trình sinh trưởng của nhộng ong dú.

Các túi dùng để dự trữ thức ăn của ong không ngòi đốt, dùng để chứa mật ong hoặc phấn hoa có kích thước lớn hơn các ổ trứng rất nhiều.

Và chỉ dùng trong mục đích để chứa phấn hoa và mật hoa, hoặc mật ong mà không dùng vào mục đích sinh sản.

Trong khi ở ong mật thì một loại lỗ tổ duy nhất lại dùng cho tất cả các mục đích trong tổ ong.

Kích thước phổ biến của các túi dự trữ thức ăn này ở ong dú có đường kính từ 10mm - 15mm, còn kích thước của các ổ trứng chỉ có đường kính khoảng 3 mm - 4 mm.

Một điểm khác biệt giữa ong mật và ong dú là, toàn bộ tổ ong dú được bao quanh bởi một lớp bức tường tổ.

Các thành phần trong tổ ong dú được nối với nhau bằng các cột được gọi là các liên kết, các liên kết  này có mục đích là nâng đỡ cấu trúc bên trong tổ ong và củng là đường đi của những con ong.

cấu trúc nâng đỡ trong ổ ong dú

So sánh về đặc điểm của lối vào của tổ ong, ở ong mật hiếm khi lối vào những con ong sửa chữa như thu nhỏ lại hoặc phóng to ra.

Nhưng với ong không ngòi đốt đây là công việc ưu tiên hàng đầu, chúng giảm kích thước của lối vào và tiếp tục kéo dài nó ở bên trong như một đường ống có khả năng tự vệ rất cao.

Xét về vật liệu xây dựng tổ, ong mật xây tổ của chúng chủ yếu là sáp nguyên chất. Ong mật vẫn có thu thập nhựa cây và có sử dụng keo ong nhưng với số lượng rất ít.

Chúng dùng keo ong trong các mục đích như vá các lỗ thủng nhỏ trên thùng ong, hoặc nơi ong làm ổ, hay là dùng để bôi lên vách của các bộng rỗng để chống thấm nước khi làm tổ trong thân cây.

keo ong được ong mật tích trữ trên khung cầu ong

Nhưng với ong không ngòi đốt, chúng sử dụng keo ong cho hầu hết toàn bộ cấu trúc tổ ong.

Đây củng là lý do tại sao bạn nhìn thấy bên trong của một tổ ong không ngòi đốt thường trông tối và cảm giác dính dính.

trong khi các tổ ong mật thì lại có màu sắc tươi sáng hơn (trừ trường hợp các bánh tổ quá cũ).

Việc trộn thêm nhựa vào sáp làm cho tổ ong không ngòi đốt chống lại sự tàn phá của ngài đêm hoặc sâu phá sáp, một bệnh rất thường xuyên gặp ở các tổ ong mật.

cách lấy mật ong bên trong thùng nuôi ong mật

>>> Xem thêm các bệnh và cách chữa bệnh cho ong mật tại đây.

tập tính của ong dú rất linh họat, chúng thay đổi tỷ lệ của nhựa cây và sáp ong tùy theo từng vị trí và cấu trúc của tổ ong.

Ví dụ: Lối vào tổ cần phải cứng chắc và có khả năng chống lại các kẻ thù đang rình rập bênh ngoài khác, điển hình là kiến.

Nên ong không ngòi đốt sử dụng tỷ lệ nhựa cây nhiều hơn sáp ong, để nó được cứng và cũng vì nhựa chứa hợp chất terpenoid có khả năng đẩy lùi kiến.

Một ví dụ khác là các ổ trứng và tổ trứng hay các màng bọc tổ trứng được làm bằng keo ong mềm với hàm lượng sáp nhiều hơn.

Bởi vì chúng liên tục được phá đi để xây dựng lại, và nhựa cây dùng trong xây dựng các ổ trứng còn có công dụng giúp các ổ trứng ức chế mầm bệnh đến từ vi khuẩn và nấm.

>>> Nên chọn nuôi giống ong mật hay ong dú, 17 điểm so sánh giữa ong mật và ong dú - loài vật nuôi nào mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Nếu bạn muốn thử tìm hiểu về loài ong không có kim chích này, chúng tôi có một gợi ý cho bạn là thử nuôi một tổ trong sân vườn cho mục đích thụ phấn, làm sinh thái và tạo phong thủy .v.v

Bạn có thể tham khảo giá ong dú giống siêu chuẩn tại đây.

nuôi ong trong vườn cây

Bạn chưa biết hết về ong dú, chưa biết nuôi ong chúng có lợi ích gì, xem bài chia sẻ 17 lợi ích khi nuôi ong dú.

Qua bài chia sẻ này, bạn đã biết được những ý nghĩa đằng sau các cấu trúc bên trong một tổ ong dú rồi phải không.

trong các bài viết tiếp theo, ong dú JiChi sẽ đề cập đến những điều thú vị hơn nữa về loài ong không ngoài đốt này.

Chia sẻ bài viết:
Tags: cach ong du xay to cau truc trong to ong du ong du tai lieu nuoi ong du
Viết bình luận của bạn:

Giỏ hàng