Banner header Meliponini JiChi Viet Nam
Ong dú - Stingless bee

Tìm Hiểu Về Ong Dú, Tại Sao Tổ Ong Không Ngòi Đốt Có Vòi Dài?

 Nguyễn Hữu Trực   |    Ngày 29/05/2019

Những người nuôi ong dú thường thấy tại cửa tổ của một vài loài ong là cấu trúc của một chiếc vòi dài với đủ kiểu dáng, nhưng ở một số loài thì lại không có hoặc có nhưng rất ngắn. Lý do nào mà ong dú thích xây nên những chiếc vòi dài trên đường đi tại lối vào tổ của mình như vậy, phải chăng chúng thích được đi xa hơn trên chiếc vòi của mình hay là do đặc điểm sinh học của loài ong dú là như vậy?bên trong chiếc vòi này có gì đặc biệt, chúng có thể dài tối đa bao nhiêu cm .v.v

Tổ ong dú có vòi ngay tại lối vào cửa tổ

Hình 1. Một chiếc vòi dài trước cửa tổ của giống ong dú Austroplebeia Cincta

Loài Ong Không Ngòi Đốt Austroplebeia Cincta Có Gì Đặc Biệt ?

Để trả lời các câu hỏi trên, Hocnuoiongdu.com xin được mượn một bài viết củng là một công trình nghiên cứu về một giống ong dú đặc biệt có chiếc vòi dẫn vào tổ dài nhất của Trung tâm nghiên cứu ong bản địa của úc được viết bởi Dr Anne Dollin công bố vào ngày 22 tháng 1 năm 2013, nghiên cứu về một giống ong mới xuất hiện ở Úc có tên là Austroplebeia Cincta.

Ong dú giống Austroplebeia Cincta, giống ong không ngòi đốt ở Úc

Hình 2. Cách phân biệt ong dú thợ, ong dú đực và ong dú chúa của giống ong dú Austroplebeia Cincta

Để biết được cấu trúc tổ và cách làm tổ cực kỳ đặc biệt của những con ong này, nhóm nghiên cứu đã có cuộc hành trình dài 3000 km về phía bắc Queensland để thực hiện nghiên cứu, với một loạt các thiết bị, máy ảnh và kính hiển vi chuyên dụng!

Hình Ảnh Trong Tổ Ong Dú Austroplebeia Cincta

Toàn bộ tổ của giống Austroplebeia Cincta được bọc kín bên trong một lớp vỏ nhựa màu đen được gọi là Batumen. Lớp batumen này cứng và mịn nhưng khá mỏng chỉ dày 1-2 mm.

Bên trong lớp vỏ bọc bằng batumen này là một số vách ngăn củng bằng lớp batumen liên thông với nhau. Có lẻ tổ ong ban đầu được xây bên trong các ngăn này và tổ ong củng chỉ hoạt động trong phạm vi nhỏ của các tấm ngăn này, theo thời gian đàn ong lớn dần lên những con ong thợ mở rộng tổ của chúng bằng cách thêm "phòng" bằng những tấm ngăn batumen mới tiếp giáp với căn phòng đầu tiên !

Hình ảnh trong tổ ong dú giống

Hình 3. Ảnh chụp bên trong một khúc cây có tổ ong dú đang nằm trong lớp vỏ Batumen màu đen dày 1mm - 2mm và cứng bằng keo ong dú

Hình ảnh mật ong dú và trứng ong dú

Hình 4. Tổ trứng và mật ong của loài ong dú Austroplebeia Cincta

Lý Do Tổ Ong dú Có Vòi Dài Ngay Lối Vào Tổ

Lối vào tổ ong được xây dựng như các đường hầm được gọi là vòi bởi loài ong không ngòi đốt A. Cincta rất đáng được chú ý. Hầu hết các đường hầm được xây bởi các loài ong dú khác chỉ dài hơn 3cm. Nhưng ngược lại, hầu hết các đường hầm của giống ong dú A. Cincta mà chúng tôi ghi nhận được thì dài tới 17cm, và một đường hầm đặc biệt dài tới 43 cm !

Vòi ong dú và các giống ong dú có vòi

Hình 5. Đường hầm bên trái dài 17 cm và bên phải dài 43 cm của giống ong Austroplebeia Cincta

Khi nhóm nghiên cứu quan sát các tổ ong của loài A. cincta này trong nhiều ngày liên tiếp, họ bắt đầu thấy một số lý do cho đường hầm khác thường của chúng, đó là sự xuất hiện của loài kiến xanh cũng sống trên một số thân cây nơi có ong dú làm tổ.

Những con kiến này chờ gần lối vào đường hầm, cố gắng bắt những con ong đi kiếm thức ăn về tổ mà có thể hạ cánh trật tại ống vào đường hầm như chúng bay vào trật đường hầm và đậu trên thân cây.

Kiến đe dọa tổ ong dú, nuôi ong dú cần đề phòng những gì

Hình 6. Loài kiến xanh và kiến đỏ luôn là mối đe dọa của những tổ ong dú nhỏ bé

Những con kiến xanh cũng cố gắng bắt những con ong bên trong đường hầm. Nếu bất kỳ con ong nào không may bị bắt, nhiều con kiến khác ngay lập tức bám vào nó và kéo con ong ra khỏi đường hầm sau đó nó được mang đi xa.

Một cái viền bằng nhựa cây dính trên lối vào đường hầm giúp chặn những con kiến xanh ở ngoài. Tuy nhiên, độ dính của nhựa cây thì giảm dần vì chúng khô đi theo thời gian. Vì vậy, những con ong này liên tục kéo dài chiều dài đường hầm của chúng bằng cách cơi thêm nhựa mới vào đầu đường hầm.

Vòi của tổ ong không ngòi đốt được xây bằng keo ong

Hình 7. Ong dú thường xuyên thêm nhựa cây mới vào phía đầu đường hầm để giữ những con kiến ở ngoài

Tại Sao Các Đường Hầm Dài Thường Có Hình Dạng Uốn Lượn

Chiếc vòi (đường hầm) có thể bị hư hại hoặc thậm chí bị gãy toàn bộ do rơi xuống hoặc do động vật. Vì vậy, các đường hầm ngắn đôi khi bạn nhìn thấy củng là lời giải thích cho lý do này.

Tuy nhiên, những con ong có thể kéo dài đường hầm vào tổ của chúng một cách nhanh chóng nếu chúng cảm thấy mối đe dọa đang trực chờ xung quanh tổ của mình, bởi vì cấu trúc của một tổ ong dú là kín hoàn toàn, lối vào duy nhất có thể tấn công từ bên ngoài vào tổ ong dú là ngay cửa ra vào của những con ong, vì vậy những con ong dú luôn cố gắng thiết lập một hệ thống phòng thủ tốt nhất tại đây.

Việc kéo dài các đường hầm hàng ngày là đặc điểm tự nhiên của một số loài ong dú khi mà nơi phân bố tự nhiên của chúng có nhiều kẻ thù rình rập hàng ngày như là kiến xanh, kiến đỏ, mối .v.v

Ban đầu, các đường hầm nằm ngang và hướng thẳng ra. Nhưng vào những ngày rất nóng, nhiệt độ cao làm nhựa cây bị làm mềm và đường hầm bị cong xuống như hình bên dưới. Những con ong sau đó tiếp tục nối dài đường hầm một lần nữa theo chiều ngang và vì thế mà đường hầm dần dần có hình dạng zig zag đơn giản như hình.

Đường hầm của loài ong Austroplebeia Cincta ở Úc

Hình 8. Một đường hầm bị chảy xuống do nhiệt độ và tiếp tục được nối dài ra sau đó nên có dạng hình zig zag đơn giản

Nuôi Ong Dú Ở Nơi An Toàn Chúng Có Xây Vòi Dài Không?

Câu trả lời là CÓ, điều này đã được chúng tôi quan sát thấy tại những tổ ong dú được người dân mang về nhà nuôi, đặt ở nơi cao ráo, che chắn, phòng chống kiến và các kẻ săn mồi rất kỹ càng nhưng tại cửa ra vào của các tổ ong này các đường hầm vẫn được xây và chúng dài ra theo từng ngày.

Bởi vì đây là thói quen khi sống trong môi trường tự nhiên phải đối mặt với nhiều kẻ thù đang rình rập, thói quen hình thành lâu ngày trở thành đặc tính của một loài, chính vì vậy mà cho dù chúng ta có mang những tổ ong dú này về nhà nuôi và bảo vệ cẩn thận kèm với thời gian nuôi lâu cách mấy thì việc chúng từ bỏ thói quen khi sống ở ngoài hoang dã là điều không thể.

Vì vậy mà những loài ong dú ở ngoài tự nhiên có những đường hầm khi mang về nhà nuôi chúng vẫn giữ nguyên đặc tính sinh học của loài ong dú là xây lại đường hầm vào tổ nếu chúng ta có vô tình hay cố ý phá bỏ thì chúng củng sẽ xây lại.

Ong dú xây lại vòi vào tổ, nuôi ong dú

Những Loài Ong Dú Nào Có Vòi ?

Tất cả các loài ong dú đều có thể xây vòi trước cửa tổ khi cần thiết.

Chúng tôi đã tận mắt chứng kiến một tổ ong với giống ong dú Lisotrigona Furva với giống ong này đa số là chúng không có vòi hoặc vòi rất ngắn, nhưng khi chúng tôi đặt tổ ong này gần một tổ kiến đỏ trong thời gian ba tháng và quan sát chúng liên tục, chúng tôi thấy rằng để tự vệ lại đàn kiến xung quanh chúng đã xây dựng một đường hầm dài tới 5 cm màu đen bằng keo ong dú rất chắc chắn và phía đầu đường hầm luôn là lớp keo mới với độ dính cao nhằm để chặn những con kiến đỏ đang sống cạnh bên ngoài tổ của chúng.

Các đường hầm này dài hay ngắn còn tùy thuộc vào đặc điểm sinh học của từng giống ong. Đa số các giống ong dú có những đường hầm ngắn thường sẽ không xây nếu chúng được nuôi ở nơi được bảo vệ tốt và chúng cảm thấy không có mối đe dọa nào rình rập xung quanh tổ của mình, chính vì vậy mà tại sao nhiều thùng nuôi ong dú lại không thấy chúng xây vòi như các giống khác.


Nếu bạn muốn xem vòi của những giống ong dú vòi ngắn, hãy làm cho chúng cảm nhận được mối đe dọa từ kẻ thù của chúng xung quanh tổ.

Nhưng hãy thật cẩn thận và cân nhắc về điều này.

Lối Vào Bằng Vòi Tăng Khả Năng Tự Vệ Cho Tổ Ong Dú?

Nhóm nghiên cứu cũng quan sát thấy một số khác biệt thú vị trong cách mà ong A. cincta ong bảo vệ tổ của chúng vào ban đêm. Ở các loài ong dú khác, những con ong thường tạo ra một mạng lưới các hạt nhựa màu nâu mềm, mịn phủ kín lối vào đường hầm của chúng vào ban đêm để tránh kiến và những kẻ săn mồi khác tấn công.

Vào những đêm nhóm chúng tôi ở lại nghiên cứu là vào tháng 11 năm 2012, hầu hết các đàn ong của loài A. cincta không đóng cửa lối vào của chúng. Có lẽ nhu cầu thông gió vào buổi tối của chúng vượt quá nhu cầu phòng vệ của tổ.

Nhưng nhóm nghiên cứu củng quan sát thấy một vài trường hợp ngoại lệ cho điều này là khi một tổ ong dú giống A. cincta  bị đe dọa bởi những kẻ săn mồi như kiến xanh. Thì trong trường hợp này những con ong sẽ xây để đóng cửa toàn bộ hoặc một phần trên lối vào đường hầm của chúng.

Hình các kiểu vòi của stingless bee và đóng của tổ ban đêm

Hình 10. Một vài cách cửa tổ đặc biệt của các loài ong dú

Các Giống Ong dú Việt Nam Có Đóng Cửa Vào Buổi Tối?

Đa số các giống ong dú tại Việt Nam đều KHÔNG ĐÓNG CỬA vào ban đêm, trừ một vài trường hợp ngoại lệ như là ban ngày tổ ong này đang bị tấn công xâm chiếm từ một đàn khác buổi tối lại chúng sẻ bít tất cả các lối vào lại bằng keo ong, hoặc là tổ ong đang bị kiến tấn công hoặc là có mối đe dọa từ kiến hay các động vật săn mồi khác bên ngoài tổ thì các tổ ong dú mới đóng kín lối vào lại vào ban đêm, ngoài ra chúng vẫn mở cửa và nếu bạn để ý quan sát các thùng nuôi ong dú vào ban đêm bạn sẽ thấy 1 vài con ong dú đứng trước cửa tổ để canh gác.

Có rất nhiều cách đóng cửa tổ tại lối vào ở các tổ ong dú của chúng ta và rất khác nhau từ các cửa nhựa mềm như rèm cửa được xây bởi các loài ong dú khác. Nó bao gồm các mảnh sáp màu kem nhỏ, dính vào một mạng lưới khá dày đặc.

Nhưng với các loài ong dú ở Việt Nam, cách đóng cửa tổ phổ biến nhất vào ban đêm là dùng keo ong dú bịt kín lại từ phía bên trong đường hầm.

Tóm Tắc Hành Vi Của Ong Dú Tại Lối Vào Tổ - Stingless Bee

 Ong dú xây dựng các đường hầm vào tổ hay còn gọi là vòi nhằm mục đích là để ngăn cản kiến, và các động vật săn mồi khác ở bên ngoài tổ.

  Các đường hầm được thêm keo mới mỗi ngày vào phía đầu vòi để tạo độ dính nên vì vậy các vòi của tổ ong này dài ra theo thời gian.

● Các đường hầm lúc đầu nằm ngang nhưng vì nhiệt độ và độ dài đã làm cho chúng thòng xuống, và quá trình này liên tục tiếp diễn khiến cho các đường hầm của tổ ong dú có hình dạng như một hình zig zag đơn giản.

 Tất cả các loài ong dú đều có khả năng có thể xây một đường hầm (vòi) dẫn vào tổ ngay tại lối vào của chúng, các đường hầm này dài hay ngắn phụ thuộc vào đặc tính của từng giống và các kẻ thù có thường xuyên xâm nhập tổ ong hay không.

 Nếu quan sát kỹ các tổ ong bạn sẻ thấy có ong canh gác trước cửa tổ vào buổi tối, điều này chứng minh đa số các giống ong ở Việt Nam không đóng cửa lối vào vào buổi tối.

● Ong dú sẽ đóng cửa lối vào trong buổi tối khi ban ngày tổ của chúng bị tấn công hoặc là chúng nhận ra rằng có mối đe dọa lớn đang rình rập gần tổ của chúng. Các cửa tổ sẽ được mở ra lại vào sáng hôm sau hoặc khi tổ ong ổn định lại và chúng biết rằng kẻ thù đã không còn rình rập chúng nữa.

Hành vi của ong dú tại lối vào tổ

*’¨¯¨’*•~-*’¨¯¨’*•~

Tài liệu tham khảo

(1) aussiebee.com.au

(2) Trung Tâm Nghiên Cứu Ong Bản Địa Của Úc

(3) Michener, C.D. 1961. Observations on the nests and behavior of Trigona in Australia and New Guinea (Hymenoptera, Apidae). American Museum Novitates 2026: 1-46

(4) Friese, H. 1898. Die Trigona-Arten Australiens. Természetrajzi Füzetek 21: 427-431

(5) Cardale, J.C. 1993. Hymenoptera: Apoidea. In Houston, WWK and Maynard GV (eds). Zoological Catalogue of Australia. Canberra. AGPS. Volume 10

(6) Michener, C.D. 1974. The Social Behaviour of the Bees. A comparative study. Cambridge : Belknap Press of Harvard University Press

(7) Rayment, T. 1932. The stingless bees ofAustralia. 6. The finding of a new species. Victorian Naturalist 49: 104-107

(8) Những quan sát và nghiên cứu của chúng tôi về loài ong dú tại Việt Nam trong hành vi bảo vệ tổ của mình.

Chúng tôi trân trọng cảm ơn!

Chia sẻ bài viết:
Tags: dac tinh sinh hoc cua ong du nuoi ong du tim hieu ve ong du to ong du co voi
Viết bình luận của bạn:

Giỏ hàng