Tiếp tục với loạt bài chia sẻ về hướng dẫn cách nuôi ong, chủ đề lần này Hocnuoiongdu.com sẽ nói về các bệnh thường gặp ở ong mật và các loài ong không ngòi đốt.
Bệnh thối ấu trùng túi ở ong (nhọn đầu) hay bệnh nhộng bọc (1), (*)
Biểu hiện của bệnh, nhận dạng bệnh ở ong
Ấu trùng nhọn đầu trên bề mặt cầu ong, hoặc ấu trùng chết nằm xẹp dưới lỗ tổ và dùng nhíp gấp ra thấy có bộng nước bên dưới ấu trùng, là triệu chứng điển hình của bệnh này.
Tuy nhiên khi xuất hiện ấu trùng bị nhọn đầu trong nghề nuôi ong, có rất nhiều nguyên nhân, có thể là do ve, sâu phá tổ v.v, để phân biệt cần dựa vào triệu chứng điển hình.
Đặc biệt ở bệnh thối ấu trùng túi ở ong là bệnh không có mùi.
Nguyên nhân đàn ong bị bệnh: Thời tiết thay đổi đột ngột, thiếu thức ăn, thế đàn yếu không đủ ong ủ ấm cho cầu làm cho ấu trùng chết, đàn ong yếu không đủ ong thợ dọn vệ sinh lỗ tổ khi ấu trùng chết lâu ngày, gây ra bệnh thối ấu trùng túi.
Vì bệnh do virus gây ra nên các loại kháng sinh không có tác dụng với bệnh. Một ấu trùng bệnh có thể lây nhiễm cho 3.000 ấu trùng khác.
Virus này bi tiêu diệt tại nhiệt độ 60 0C trong 10 phút, sống ở nhiệt độ phòng trong 3 tuần, dưới ánh sáng mặt trời trực tiếp chỉ tồn tại trong 7 - 8 giờ.
Để chữa bệnh thối ấu trùng túi (hay bệnh nhọn đầu), áp dụng cách chữa chung cho tất cả các loại bệnh thối ấu trùng bên dưới cùng, cực kỳ hiệu quả. Bấm để đi tới.
Bệnh thối ấu trùng châu Âu, bệnh thối ấu trùng tuổi nhỏ (1), (*)
Bệnh thối ấu trùng châu âu do white tìm ra lần đầu tiên ở châu âu vào năm 1912, hiện nay bệnh có mặt ở khắp mọi nơi, và tồn tại ở cả giống ong nội lẫn ong ngoại nhưng chưa xuất hiện ở ong dú.
Mầm bệnh. Bệnh này đến từ mật ong, phấn hoa mua về cho ong ăn không rõ nguồn gốc hoặc do trao đổi, giao lưu ong từ vùng này sang vùng khác v.v.
Dấu hiệu nhận biết bệnh
Dấu hiệu điển hình. Ấu trùng chết bốc mùi chua.
Dấu hiệu mới bệnh: Ấu trùng còn ở dạng "lưỡi liềm" da khô và không căng, trong suốt có khi nhìn rõ cả ruột, ấu trùng chết có màu nâu rồi đến nâu thẫm, không dính dễ gắp ra khỏi lỗ tổ.
Cách trị bệnh thối ấu trùng châu Âu, củng sử dụng cách chữa chung dưới cùng, bao hiệu quả. Bấm để đi tới.
Bệnh thối ấu trùng vôi ở ong, kỹ thuật nuôi ong (*)
Trong số các loại bệnh ở ong mật, bệnh thối ấu trùng vôi đang làm hoang mang, điêu đứng và xóa sổ rất nhiều trại ong ở nước ta, bệnh này không thấy xuất hiện trong tổ ong dú.
Dấu hiệu của bệnh thối ấu trùng vôi. Ấu trùng ong chết bị hóa vôi (như hình), bệnh lây lan rất nhanh và gây thiệt hại vô cùng lớn cho người nuôi ong Việt Nam trong thời điểm hiện tại.
Nếu bạn củng đang bị và chưa tìm ra cách chữa, hãy thử các hướng dẫn dưới đây, chúng tôi đã rất thành công với chiến lược điều trị bệnh được chia sẻ bên dưới.
Nguồn gốc: Bệnh bị lây từ Trung Quốc sang và bùng phát vào năm 2014.
Cách chữa bệnh thối ấu trùng vôi bằng liệu pháp hóa học
Phương pháp xông. Dùng axit formic 85% hoặc 95% và chí nước (như hình).
Tỷ lệ pha: 1 lít axit formic pha với 1 ống thuốc chí nước hòa tan đều, dùng mút xốp (dùng để cắm hoa) cắt mỏng mỗi miếng có độ dày 1 cm.
Nhúng miếng mút vào dung dịch, và đặt dưới đáy thùng ong nằm về phía sau thùng, để ong có thể quạt gió lưu thông hơi axit thuốc vôi khắp cả thùng ong đều hơn.
Cứ sau 2 ngày lại thay tấm mút mới, làm cho đến khi hết bệnh, phương pháp này rất hiệu quả với bệnh thối ấu trùng vôi ở ong, nhưng cần lưu ý các điều bên dưới.
Cần chú ý
Nếu đàn ong không phải là giống kháng bệnh vôi hoặc bị dai dẳng chữa lâu không hết, hoặc bị tái phát lại thì liều lượng thuốc cho lần tiếp theo sẽ là 1 lít axit formic + 2 ống thuốc chí.
Hỗn hợp axit formic và chí nước đều mang yếu tố độc và có thể gây bỏng, cần mang bao tay và khẩu trang khi thao tác.
Tự điều chế ra thuốc chữa thối vôi cho riêng mình
Nguyên tắc chung để làm ra thuốc trị thối ấu trùng ở các trại ong, đều là sự kết hợp của các loại thuốc có tính xác khuẩn cao và dễ bay hơi, tạo ra sản phẩm cuối cùng có tính xác khuẩn mạnh.
Ví dụ: Axit formic, tinh dầu, thuốc chí v.v, đều là những hóa chất, dùng để xác khuẩn cho người và động vật, chứ chẳng có gì cao siêu và bí mật cả.
Nếu bạn thích tạo ra một loại thuốc mới chữa bệnh cho riêng bạn, bạn có thể phối các loại hóa chất khác có tính xác khuẩn cao lại với nhau.
Ví dụ như công thức trên: axit formic + chí nước điều chỉnh lại, thêm vài giọt tinh dầu xã/hương nhu càng làm thuốc mạnh hơn và hiệu quả hơn.
Cồn (ethanol) 300 củng có tính xác khuẩn rất cao, là một hóa chất có thể được lựa chọn để phối hợp với thuốc.
Lưu ý: Hãy thử loại thuốc mới này trên 1 cầu ong trước khi dùng nó cho cả đàn, và rủi ro là không thể tránh khỏi vì bạn đang tự "mò đường trong đêm tối"
Cách chữa bệnh thối ấu trùng vôi bằng sinh học
Ưu tiên nuôi giống ong có khả năng kháng bệnh vôi, vì khi giống ong kháng vôi bị bệnh, rất dễ điều trị và rất mau hết.
Khi đàn ong bị bệnh mà bạn không biết điều trị, hoặc chữa không hết, lập tức thực hiện cách ly và tiêu hủy ngay, để tránh bệnh lây lan bùng ra cả trại nuôi ong.
Nên áp dụng kết hợp cả liệu pháp sinh học và hóa học, để có được kết quả điều trị bệnh thối ấu trùng vôi tốt nhất.
Nghĩa là, ngoài việc dùng thuốc như trên bạn cần phải chọn giống kháng vôi, với những đàn quá nặng, bạn nên từ bỏ bằng cách đốt bỏ kịp thời để tiêu diệt tận gốc mầm bệnh.
Để trại ong khỏe mạnh và không bị bệnh, bạn cần tuân thủ thêm các nguyên tắc phòng bệnh bên dưới.
Cách chữa bệnh thối ấu trùng ong mật và các loại ong khác (1), (*)
Dùng kháng sinh chữa bệnh cho đàn ong làm ảnh hưởng đến sự phát triển và làm giảm chất lượng các sản phẩm đến từ tổ ong.
Vì vậy, cách điều trị các loại bệnh thối ấu trùng tốt nhất, an toàn nhất vẫn là coi trọng việc chữa bệnh bằng các liệu pháp sinh học cùng với phòng bệnh trong khu vực nuôi ong.
Ong dú chưa xuất hiện bất kỳ loại bệnh nào liên quan đến ấu trùng, nên không cần chữa, chỉ cần phòng.
Nguyên nhân bệnh thối ấu trùng ong, nguồn gốc của bệnh
Tất cả các bệnh thối ấu trùng ở ong đều có con đường lây lan giống nhau, tốc độ lây bệnh rất nhanh, dưới đây là 9 nguyên nhân gây ra tất cả các bệnh thối ấu trùng ở các loài ong.
1. Khi quay mật ong, chúng ta thường có thói quen đảo cầu ong từ đàn này sang đàn kia, khi tổ ong mới bệnh không phát hiện kịp thời, làm cho mầm bệnh lây lan khắp trại rất nhanh.
2. Trong cuộc sống của loài ong, do ong giao lưu từ đàn này sang đàn kia, như ong thu mật, phấn, ong đực qua lại giữa các đàn khác nhau, ong chúa bay đi giao phối, ong đi ăn cướp mật v.v.
Sự qua lại và tiếp xúc như vậy đã làm cho mầm bệnh lan rộng và bùng trong trại nuôi ong.
3. Do ong không bám vào cầu. Tổ ong bị bệnh, không phải tất cả ấu trùng đều bị nhiễm bệnh mà chết, mà còn do bị lạnh, khô, đói, do ong không bám và cầu để nuôi dưỡng.
4. Do chia đàn để các tổ quá gần nhau, ong thợ về đàn cũ nhiều, bỏ lại cầu ấu trùng không có ong ủ ấm, nuôi dưỡng, cũng bị chết và xuất hiện mầm bệnh.
5. Do ổ ong bốc bay, viện cầu ấu trùng, nhưng đàn ong lại bỏ tổ đi, bỏ lại cầu ấu trùng không được ủ ấm và nuôi dưỡng làm cho ấu trùng chết.
6. Khi quay mật hoặc kiểm tra đàn ong, đưa cầu ong ra khỏi tổ ong quá lâu, ấu trùng cũng bị chết do lạnh v.v.
7. Do cho ong ăn mật ong hoặc phấn hoa của bầy ong đã bị nhiễm bệnh, được bán đầy trên mạng, người bán chỉ biết bán một ngày bao nhiêu kg, không quan tâm đến đàn ong của khách sẽ thế nào sau khi mua.
8. Nhiệt độ trung bình trong ổ ong là 35 0C - 36 0C chỉ duy trì được ở những đàn ong mạnh, có khả năng giữ ấm cho đàn ong, ấu trùng và chống bệnh tốt.
Đàn ong yếu thưa quân không duy trì được nhiệt độ trong tổ, ấu trùng dễ bị lạnh dẫn đến chết, vi khuẩn tấn công gây bệnh thối ấu trùng.
9. Tổ ong bị ve, chí, cắn chết ấu trùng ong củng là nguyên nhân gây ra bệnh. Luôn giữ đàn ong sạch ve, chí varroa.
Tóm tắt nguyên nhân của các bệnh thối ấu trùng ong
Do ấu trùng trong tổ bị chết, đàn ong không đủ ong thợ để làm vệ sinh những lỗ tổ này kịp thời, lâu ngày ấu trùng chết bị thối rửa, phát sinh virus / vi khuẩn gây bệnh.
Con đường lây lan của bệnh thối ấu trùng là qua mật, phấn, thùng nuôi, thùng quay, cầu, chung nguồn hoa, nguồn nước, ong đực qua lại giữa các đàn v.v.
Dấu hiệu chung các loại bệnh thối ấu trùng ở các loài ong
Khi các tổ ong bị bệnh ấu trùng đều có hiện tượng giống nhau như sau:
- Quan sát bên ngoài cửa tổ, thấy ong đi làm kém, thỉnh thoảng có ong thợ tha ấu trùng ra ngoài.
- Khi mở thùng ong, đàn ong không ổn định, ong thợ dạt hết xuống dưới xà cầu hoặc dạt ra hai bên ở trên xà cầu.
- Kiểm tra đàn ong thì ong chạy tán loạn.
- Đàn ong bị bệnh nặng có khi bỏ cả cầu và đậu ở ngoài hoặc thành thùng, ong càng bỏ cầu thì bệnh càng nặng, do ấu trùng bị lạnh, đói và chết.
Cách trị tất cả các loại bệnh thối ấu trùng ở ong hiệu quả nhất
Các loại bệnh thối ấu trùng, đôi khi sẽ xuất hiện chung với nhau, nên cách chữa đặc trị một loại bệnh rất khó hết và dễ bị bùng lại.
Biết được nguồn gốc xuất phát của bệnh thối ấu trùng, cách chữa bệnh cho ong dưới đây là vô cùng hiệu quả với bất kỳ loại bệnh thối ấu trùng nào.
Vi khuẩn hoặc virus muốn tồn tại được thì phải có ký chủ, ký chủ ở bệnh thối trùng chính là ấu trùng, vì vậy phải làm cho tổ ong không còn ấu trùng và nhộng trong một khoảng thời gian từ 10 - 15 ngày.
Khi đàn ong bị bệnh, tổ không còn ấu trùng để mầm bệnh ký sinh, đàn ong sẽ tự khỏi bệnh.
Tuy nhiên để hiệu quả trong cách chữa bệnh cho ong tốt hơn, nên chọn mua giống ong kháng bệnh thối ấu trùng và dùng kết hợp thuốc như bên dưới.
Để tổ ong không có ấu trùng trong 10 - 15 ngày, có hai cách làm sau: 1. Thay ong chúa bằng cách gắn mũ chúa, 2. Nhốt ong chúa lại. Tìm hiểu cách tạo ong chúa nhân tạo.
Lưu ý: Với bệnh thối ấu trùng vôi thì cách nhốt chúa hoặc thay ong chúa, không mang lại hiệu quả.
Kết hợp sử dụng thuốc xông như cách chữa thối vôi bằng liệu pháp hóa học, vì thuốc này không chỉ chữa được vôi mà còn chữa các loại thối ấu trùng khác rất hiệu quả.
Giúp ong dọn vệ sinh tổ bằng cách, dùng nhíp gắp ra hết các ấu trùng đã chết, cạo hết sáp cũ, bột khô do cho ăn thừa còn trên xà cầu và thu gom hết rác bên dưới đáy thùng.
Đàn bị bệnh, phải rút bớt cầu cũ, già, để ong tập trung bám cầu, ủ ấm và nuôi những cầu mới có khả năng kháng bệnh tốt hơn, cầu cũ rút ra phải luộc ngay trong ngày để tránh mầm bệnh lây lan.
Ngoài ra bạn có thể sử dụng cồn (ethanol) 300 để phun xịt khử trùng thùng nuôi, khung cầu và khu nuôi sạch sẽ, càng làm tăng hiệu quả điều trị.
Nếu bệnh quá nặng, hoặc chữa quài không hết, phải ngăn chặn vi khuẩn kháng bệnh, bằng cách đốt các cầu và luôn cả thùng nuôi ong.
Tại hội nuôi ong Việt Nam có đề cập đến các bệnh thường gặp ở ong, củng như cách chữa trị và ngăn chặn bệnh tái phát, mời xem Video bên dưới từ phút thứ 25 trở về sau
Tóm tắt cách chữa tất cả các loại bệnh thối ấu trùng ở ong
Trước tiên trị bằng thuốc xông như ở bệnh vôi, sau đó vệ sinh sạch sẽ cầu ong và thùng nuôi.
Rút bớt cầu để tạo thế đàn đông và nuôi trùng tốt hơn, nếu đàn bị quá nặng và chữa quài không hết, cách tốt nhất là tiêu hủy để tránh lây lan.
Cách phòng bệnh và lây lan với bệnh thối ấu trùng của ong
Khi làm việc trong trại ong, đối với những đàn đã bị bệnh, cần mang bao tay hoặc sát khuẩn tay sau khi tiếp xúc với những tổ ong này.
Tuyệt đối không dùng chung thùng quay, hay đảo cầu ong, ở những đàn bị bệnh qua đàn không bệnh, đây là con đường lan truyền bệnh trực tiếp và rất nhanh.
Không cho ong ăn lại mật ong để làm mật tầng kế v.v, bởi đây là điều kỵ nhất trong kỹ thuật nuôi ong, mật ong có thể chứa mầm bệnh từ các đàn mạnh, sang đàn yếu là cơ hội để bùng phát dịch.
Cho ong ăn đường sẽ tốt hơn cho ong ăn mật ong rất nhiều, đối với phấn hoa mua về luộc lại bằng nước sôi trong 10 phút rồi mới dùng cho ong ăn.
Khi quay mật, để tiện và nhanh, thì khi lấy cầu ong ra, nên để trong thùng nhựa và tủ lại bằng miếng vải để ủ ấm cho ấu trùng không chết.
Khi quay mật ong, không nên chống cầu ong xuống đất, đất cát sẽ lẫn vào trong mật ong và gia tăng cơ hội mầm bệnh xuất hiện.
Đối với các đàn bị bệnh, ta nên tổ chức quay mật ong riêng hoặc quay sau cùng, và sản phẩm nên để riêng và đánh dấu rõ ràng để tránh cảnh "toàn quân bị diệt".
Cần che chắn cẩn thận, ủ ấm vào mùa đông và thoáng mát vào mùa hè, nên đưa tổ ong ra ánh nắng mặt trời vào mùa đông rét, và mang vào dưới tán cây vào mùa hè nóng bức.
Thực hiện đúng, đủ và kết hợp các bước chữa và phòng bệnh như trên, cho dù là bệnh thối ấu trùng nào củng đều biến mất và ngừng lây lan trong trại nuôi ong của bạn.
Bệnh chí ong – Ve ký sinh trên ong mật (1), (*)
Thế giới đã phát hiện được 3 loại chí có mặt trên hầu hết các loại ong (trừ ong dú) và nhiều nhất là trên quần thể ong mật, đó là: chí lớn, chí nhỏ, và rận ong.
Chí lớn (Varroa jacobsoni)
Nguồn gốc của chí lớn xuất phát từ ong nội địa (Apis Cerana), thực tế hiện nay, chí lớn ký sinh trên cả ong thợ lẫn ong đực và gây hại cho đàn ong không thua gì chí nhỏ.
Đặc điểm của chí lớn. Ký sinh trên cả ấu trùng, nhộng ong và ong trưởng thành nên làm ảnh hưởng rất mạnh tới đàn ong.
Khi ong mật châu âu (Apis Mellifera) được đưa vào châu á, thì loài này lây sang ký sinh trên ong ngoại và được mang đi toàn thế giới như hiện nay gây thiệt hại vô cùng lớn hơn cho người nuôi.
Chí nhỏ (Tropilaclaps Clareae)
Bệnh chí nhỏ ở ong có nguồn gốc từ giống ong khoái (Apis Dorsata), sau đó lây sang ong mật ngoại khi chúng được mang vào châu Á, và gây thiệt hại lớn hơn cả chí lớn.
Đặc điểm của chí nhỏ. Chỉ ký sinh trên ấu trùng ong. Việt Nam chưa thấy loại này gây ảnh hưởng xấu trên ong mật nội địa.
Ve hay rận ong (Nepholaelaps Indica Evans)
Qua quan sát các tổ ong nội thấy có một loài ve nhỏ ký sinh trên ong mật, màu vàng nhạt, bám vào lưng, ngực ong thợ. Đây là loại ve ăn phấn hoa.
Ve này thường ở trên những bông hoa như hoa bạch đàn, kiều mạch v.v. Khi ong ghé thăm hoa, rận bám vào ong để nhờ ong chuyển chúng đến hoa khác.
Ve này phá và làm hư phấn ong có thể làm cho đàn ong bị đói do thiếu phấn ong. Trong kỹ thuật nuôi ong nội địa để diệt rận ong củng xử lý theo cách bên dưới.
Cách diệt chí lớn, chí nhỏ và ve trên ong bằng biện pháp sinh học
Dùng tinh dầu hòa tan với axit Formic 85% hoặc 95% xông bằng mút xốp với tỷ lệ hỗn hợp dung dịch như sau:
- Axit Formic: 100ml
- Tinh dầu: 5 ml
- 1 - 2 tép tỏi dã nát, trộn vào và khuấy đều hiệu quả vô cùng.
Tinh dầu có thể dùng các loại như: Tinh dầu tràm, tinh dầu sả, tắc, hương nhu, tinh dầu bạn có thể mua tại đây.
Cắt mút xốp có độ dày 1 cm, nhúng vào dung dịch hỗn hợp, rồi dùng kẹp gấp miếng xốp đặt vào dưới đáy nằm về phía sau thùng, một lần xông (một miếng) được 2 ngày.
Với bệnh chí ong ở mức nhẹ thì xông 1 lần là khỏi, bệnh nặng thì xông 2 - 3 lần là hết, cách này cực kỳ hiệu quả và an toàn, có thể trị một lần luôn cả chí lớn, chí nhỏ, rận (ve) đều chết hết.
Nhưng cần lưu ý: Kỹ thuật nuôi ong là không được xông khi đang trong mùa mật, vì axit formic làm mật bị chua, và axit formic có thể gây bỏng, nên cẩn thận khi dùng.
Ong bị sâu bánh tổ (Sâu sáp - Waxworm) (1), (*)
Có 2 loại sâu bánh tổ, là sâu lớn và sâu nhỏ. Do ngài đêm (Noctuidae) đẻ trứng. Chúng giao phối vào ban đêm rồi mò vào thùng ong qua cửa tổ hoặc các khe hở trên thùng nuôi ong để đẻ trứng.
Sâu phá bánh tổ này còn tồn tại trong cách nuôi ong ruồi, ong khoái và các loài ong khác có tổ làm bằng sáp. Và sâu sáp ăn cả nhựa, riêng ong dú không có bệnh này.
Biểu hiện và tác hại của sâu ăn sáp
Sâu sáp xây dựng các đường hầm bằng tơ ở giữa các bánh tổ. Sâu non thích bánh tổ cũ hơn vì nó có màu tối.
Xuất hiện các hang, hố trên bánh tổ ong, do ong cắn phá để tìm tiêu diệt sâu, thùng nuôi càng hở nhiều, khả năng bị bệnh càng cao.
Tác hại của ong bị sâu bánh tổ: Các đường hầm của sâu ăn sáp chằng chịt trên bánh tổ làm ong chúa không đẻ trứng và ong thợ không đổ thức ăn.
Nếu những lỗ tổ đó có ấu trùng hoặc nhộng, chúng đều bị chết, củng là nguyên nhân chủ yếu gây ra bệnh nhộng trần.
Nếu nhiều sâu phá bánh tổ, sẽ dẫn đến ong bốc bay đó là tập tính của ong.
Cách chữa trị và phòng sâu phá bánh tổ
Trong kỹ thuật nuôi ong mật với các xử lý sâu sáp này như sau:
- Khi ổ ong đã xuất hiện sâu phá bánh tổ, cách xử lý duy nhất là rút bỏ cầu đã bị bệnh và nấu sáp ngay lập tức.
- Vệ sinh đáy thùng nuôi ong sạch sẽ định kỳ như: Thu gom hết các mảnh sáp vụn, sáp lưỡi mèo, vít nắp, cạo ở các khe hở trên thùng ong để diệt tận gốc trứng sâu.
- Vào mùa thiếu thức ăn, mạnh dạn rút bớt cầu cũ để đàn ong đông quân, ủ ấm và phòng vệ tốt hơn trên bánh tổ.
- Các cầu loại, cầu cũ, sáp vụn cần luộc ngay, không nên dự trữ trong trại ong để tránh ngài đêm vào đẻ trứng, tầng nền sáp chưa dùng đến, sáp mới nấu phải gói kín bằng giấy báo.
- Trét kín tất cả các khe hở, vết nứt trên thùng ong bằng keo "Hi Bond heavy duty" (keo chuyên dùng cho xây dựng) hoặc các loại keo tương tự có độ bám dính tốt, cứng rắn và co giản được.
Bệnh tiêu chảy ở ong mật, chữa bệnh ong mật (1), (*)
Biểu hiện: Ong bị bệnh bò lết dưới đất trước cửa thùng, bụng trướng. Trước cửa tổ hay trong vách thùng có nhiều vết phân màu vàng hoặc vàng sẫm.
Nguyên nhân: Do vi khuẩn có tên là Nosema apis gây ra. Bệnh thường thấy vào mùa đông, do mưa rét kéo dài ong không bay ra ngoài mà lại cho ăn siro đường làm ong thợ bị lạnh bụng và rối loạn hệ tiêu hóa.
Khi ong bị bệnh đi bài tiết, phân có bào tử bệnh rơi vào cây cỏ, ao hồ, sông suối v.v, ong khỏe lấy nước, mật và phấn hoa đó ăn vào hoặc mang về tổ, làm cả tổ nhiễm bệnh.
Tác hại: Đây là một trong các bệnh thường gặp ở ong mật nó làm cho ổ ong yếu đi, tuổi thọ giảm, ong nuôi ấu trùng kém.
Cách chữa bệnh ỉa chảy ở ong mật
Cách 1. Cho đàn ong ăn men tiêu hóa (dành cho người/động vật đều được) với liều lượng theo chỉ dẫn bao bì và pha vào siro đường cho ong ăn đến khi thấy ong hết thải ra vết phân màu vàng.
Cách 2. Hỗn hợp gồm: 25 g gừng tươi, 100 ml mật, 15 ml nước ấm. Xay nát gừng, trộn tất cả lại với nhau và đảo đều, ủ ở nơi tối ít nhất 3 giờ, sau đó mang cho ong ăn, sẽ thấy bớt bệnh ngay ngày hôm sau.
>>> Xem hướng dẫn cách cho ong ăn.
Để điều trị triệt để cần thay thùng ong đã bị dính phân và nhiễm vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy ở ong, đem luộc thùng rỗng với nước sôi trong 10 phút để diệt khuẩn và tái sử dụng.
Tốt hơn nữa, nếu có điều kiện thì nên di dời tổ ong đi nơi khác một thời gian, đợi đàn ong hết bệnh, thế đàn mạnh trở lại rồi hãy mang về.
Cần kết hợp thay thùng, rút bớt cầu, tăng cường giữ ấm cho đàn ong để hiệu quả điều trị dứt điểm và củng là cách nuôi ong mật và các loài ong khác hiệu quả nhất.
Kháng sinh cho ong (1), (*)
Tôi không khuyến khích dùng kháng sinh trong cách nuôi ong lấy mật để chữa bệnh ong, nhưng thật thiếu sót nếu một bài chia sẻ về cách chữa bệnh cho ong lại không đề cập đến phương pháp này.
Sau đây là 6 loại kháng sinh thường dùng để điều trị bệnh cho các loài ong.
- Erytromycin 1000 ui
- Kanamycin
- Furazoledol
- Biomycin
- Penicillin
- Streptomycin
Hết sức lưu ý khi dùng kháng sinh chữa bệnh của ong
Mật ong, phấn ong là những sản phẩm tươi, tuyệt đối / hạn chế hoặc không dùng kháng sinh.
Nếu buộc phải sử dụng kháng sinh để chữa bệnh cho ong, thì phải bỏ 2 vòng quay mật, không nên bán loại mật ong này ra thị trường.
Sản phẩm đến từ tổ ong thường được sử dụng trực tiếp, không chế biến, nên khi dùng sản phẩm từ những đàn bị bệnh có điều trị bằng kháng sinh, sẽ giảm tác dụng bồi bổ hoặc chữa bệnh cho con người.
Chúc bạn nuôi được những đàn ong khỏe mạnh, và sản phẩm thu được không bị tồn dư kháng sinh.
Nếu bạn muốn nuôi một giống ong không bị bệnh, JiChi đề xuất cho bạn một giống ong mới, không bao giờ bị bệnh. (Click vào hình dưới).
Tài liệu tham khảo
(1) Hỏi đáp về kỹ thuật nuôi ong nội địa - Ngô Đắc Thắng (chủ biên), Giáp Văn Hưng.
(*) Tổng hợp kinh nghiệm nuôi ong lấy mật của các trại ong Việt Nam cùng những tài liệu khác bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh.
Avainia Trả lời
15/05/2022[url=https://newfasttadalafil.com/]generic cialis no prescription[/url] McEwen Stress Adaptation and Disease. Psovhj tadalafil cialis Tfsbfw Generic Isotretinoin Pills Best Website Cheapeast Saturday Delivery https://newfasttadalafil.com/ - generic cialis vs cialis