Banner header Meliponini JiChi Viet Nam
Ong dú - Stingless bee

Quá trình sinh trưởng của nhộng ong dú - Bí mật của loài ong tiền sử

 Nguyễn Hữu Trực   |    Ngày 16/11/2018

Tại sao Ong dú Jichi lại gọi đây là loài ong "tiền sử", nó củng có cái lý do của nó cả đấy, và thật sự loài ong dú là loài ong "tiền sử" còn xót lại mà chúng ta ít biết tới. Để giải thích và làm rõ cho điều này, trong bài viết hôm nay chúng tôi chia sẻ về quá trình phát triển từ trứng cho đến con ong dú trưởng thành.

Trong các bài viết trước, JiChi đã chia sẻ về đặc điểm sinh học của loài ong rồi, các bạn có thể xem lại tại đây. Và trong bài viết này, tôi muốn dành nhiều hơn để nói về chi tiết hơn cách mà ong dú chúa đẻ trứng và ong thợ chăm sóc ấu trùng như thế nào, một vài so sánh với cách ong thợ của ong mật nuôi ong trùng giống và khác nhau thế nào và đồng thời giải thích tại sao gọi ong dú là loài ong "tiền sử". Qua bài viết với tiêu đề "Quá trình sinh trưởng của nhộng ong dú - Bí mật của loài ong tiền sử"

Tóm tắc nội dung bài viết

» Ong dú chúa đẻ trứng như thế nào?

» Quá trình phát triển từ khi là trứng đến ong dú trưởng thành.

» Sữa ong chúa của ong dú có hay không?

» Điểm khác nhau trong quá trình chăm sóc ấu trùng ở Ong dú và ong mật.

» Nhận biết trứng ong dú mới đẻ và trứng đã đẻ lâu rồi qua lớp keo ong.

» Sự bài tiết của nhộng ong dúnhộng ong mật.

Và bây giờ chúng ta bắt đầu câu chuyện hướng dẫn cách nuôi ong mà tôi muốn kể tại website hocnuoiongdu.com hoàn toàn miễn phí này nhé!

Tập tính sinh sản của ong dú

Cách mà ong dú chăm sóc các ấu trùng của chúng rất đặc biệt. Một ổ trứng của chúng được cho ăn theo phương pháp đơn cung (hay còn gọi là chế độ “cho ăn một lần”) bởi các ong thợ ở độ tuổi còn nhỏ hay còn gọi là ong thợ non. Các con ong dú thợ này nhả thức ăn vào một ổ trứng với khoảng hai phần ba sức chứa của một ổ trứng.


Vì sao lại đổ nhiều thức ăn như vậy vào một ổ trứng? - Vâng. Chúng phải đổ nhiều như vậy là để đủ nuôi ấu trùng con ong dú cho toàn bộ sự phát triển của nó cho đến khi thành một con nhộng ong dú.

ong dú thợ đang nạp thức ăn ấu trùng vào các lỗ tổ đe trứng

Hình ảnh các con ong rú thợ đang cuối đầu vào các lỗ tổ mới xây để nạp thức ăn vào trong đấy. Ảnh được chụp bởi Tim Heard

1. Thức ăn ấu trùng nuôi ong dú

Thức ăn này là một hỗn hợp của phấn hoa, mật ong và dịch tiết ra từ tuyến hạch của ong thợ non (nói khó nghe hơn đó là nước bọt của ong), dưới một dạng một chất đặc và sệt. Và chất dinh dưỡng được tiết ra từ tuyến hạch này của ong dú thợ ở độ tuổi nhỏ được gọi là thức ăn ấu trùng, thức ăn này có giá trị dinh dưỡng tương đương với sữa ong chúa ở con ong mật, nhưng ở ong dú thì tất cả ong bao gồm cả ong thợ, ong đực, ong chúa đều được ăn loại thức ăn này trong suốt quá trình từ trứng đến phát triển thành một con ong trưởng thành, còn ở ong mật thì không có điều này, chỉ có ong mật chúa mới được ăn loại thức ăn cao cấp này mà người ta gọi đó là sữa ong chúa.

2. Sữa ong chúa của ong dú!

Như đã đề cập ở trên thì ở ong dú vẫn có sữa ong chúa đó là thức ăn ấu trùng, chứ không phải không đâu nhé, có điều sữa ong chúa ở loài ong dú cực kỳ khó khai thác, và cho đến hiện tại, trên thế giới chưa ai khai thác được sữa ong chúa từ tổ ong dú cả.

Ở hình trên bạn có thể thấy những ong thợ có độ tuổi nhỏ (ong thợ non) với đầu của chúng trong các lỗ tổ trứng mới được xây dựng, kiểm tra và chuẩn bị để cung cấp thức ăn cho lỗ tổ này, trước khi ong dú chúa đẻ trứng của mình vào đó


Phương pháp đơn cung. Là cách ong thợ cung cấp cho ấu trùng đủ thức ăn cho toàn bộ giai đoạn phát triển của ấu trùng trong một lần cung cấp thức ăn.

Các giai đoạn phát triển từ trứng đến khi trưởng thành của ong dú

sơ đồ quá trình phát triển của ong dú từ trứng đến ong trưởng thành

Hình ảnh quá trình phát triển từ trứng đến ong trưởng thành của con ong dú

Mỗi giai đoạn chưa trưởng thành của ong dú, từ trứng, ấu trùng và nhộng đều mất nhiều thời gian hơn ong mật có thể nói con số này là gấp đôi so với ong mật, và với tất cả quá trình này khoảng 50 ngày cần thiết để phát triển từ trứng đến ong trưởng thành. (con số này sẻ có sự biến động vài ngày, tùy vào từng loài ong không ngòi đốt, nhưng 50 là con số được quan sát thấy nhiều nhất ở các chi ong dú). Chi tiết quá trình cụ thể như sau.

1. Ong dú chúa bắt đầu đẻ trứng

Khi các ổ trứng đã được nạp đầy đủ thức ăn rồi, lúc này con ong dú chúa đẻ trứng của nó trên thức ăn đã được nạp vào trong ổ trứng trước đó. Như hình trên ta thấy. Trứng sau khi được con ong dú chúa đẻ thì 6 ngày sau đó trứng mới nở thành ấu trùng, ở ong mật là ba ngày, con số này gấp đôi với ong dú.

Một ổ trứng khi đã được đẻ thì ngay lập tức được ong thợ xây kín lại để cho ấu trùng có thể phát triển bên trong đó và không mở ra lại bất cứ lần nào nữa cho đến khi nó phát triển thành con ong dú trưởng thành

Điều này rất giống với hành vi làm tổ của tổ tiên những con ong sống độc thân (ví dụ: Như ở việt nam ta có ong bầu, ong tò vò, một vài loài ong vò vẽ…), là những loài ong sống độc thân mà cũng đóng tổ trứng lại ngay lập tức sau khi cung cấp thức ăn và đã đẻ trứng vào lỗ tổ đó, và đây không phải là hành vi phát triển tiến bộ như của con ong mật mà chúng ta được biết.

ong dú chúa đẻ trứng trên lớp thức ăn ấu trùng hay gọi là sữa

Hình ảnh trứng của ong dú chúa đã đẻ. Ảnh của Website hướng dẫn kỹ thuật nuôi ong

Và một điều dễ hiểu là tại sao ong dú lại có hành vi phát triển này? Bởi vì trong số những con ong lâu đời nhất còn xót lại từ thời nguyên thủy xa xôi, thì chi ong dú là loại giữ lại đặc tính vốn có ban đầu của tổ tiên nó nhiều nhất, và có thể nói ong dú là loài ong còn xót lại của thời khủng long cho đến bây giờ. Có thể đây củng là lý do tại sao mật ong dú lại cực kỳ tốt và có giá trị như vậy. Bạn có thể tìm hiểu kỹ hơn về phần này trong bài viết với tiêu đề: Tìm hiểu về tổ tiên của con ong mật và ong dú trông như thế nào?

trứng của ong dú chúa đẻ trong tổ của nó

Hình ổ trứng của loài Lisotrigona furva trong tổ ong dú được mở nắp để thấy trứng ong bên trong. Ảnh của Ong dú JiChi

Ổ trứng của ong dú thợ được mở ra để thấy thức ăn được cung cấp bên trong (hai phần ba thức ăn) và bạn có nhìn thấy một quả trứng của ong dú chúa đang nằm ở trên lớp thức ăn đó không?

2. Giai đoạn ấu trùng phát triển

Sau khi nở ra từ trứng, ấu trùng ong dú bắt đầu ăn, chúng ăn hết thức ăn đã được các ong dú thợ cung cấp sẵn trong lỗ tổ, và ăn liên tục và không thải ra chất gì trong suốt 14 ngày ở giai đoạn ấu trùng này.
ấu trùng ong dú và giai đoạn tiền nhộng

Hình ảnh ấu trùng ong dú, bên trái là ấu trùng còn nhỏ, bên phải là ấu trùng đã lớn và chuẩn bị thành nhộng

Ở các con ong mật trong giai đoạn ấu trùng này chúng khác hoàn toàn với ong dú, chúng sẻ được ong thợ thường xuyên ghé đến mớm cho ăn khi tới bữa, vì chúng không được dự trữ thức ăn sẵn trong lỗ tổ của mình. Và một điều khác nữa là thức ăn của ấu trùng ong mật được ăn trong ba ngày đầu tiên là sữa ong chúa, các ngày còn lại là mật ong trộn với phấn hoa đối với ong thợ và ong đực, còn ong dú thì tất cả các cấp bậc ong đều ăn một loại thức ăn duy nhất trong suốt quá trình phát triển của nó đó là thức ăn ấu trùng như đã trình bày ở trên.

 Vậy có một vấn đề đặt ra ở đây là nếu ở ong dú cả ong chúa, ong thợ, ong đực đều ăn cùng một loại thức ăn trong suốt giai đoạn ấu trùng của nó, vậy thì sự khác nhau để hình thành nên ong dú chúa và ong dú thợ ở chổ nào? Và tấm hình bên dưới sẻ trả lời cho câu hỏi này.

mũ chúa ong dú và trứng ong thợ khác nhau về kích thước

Các bạn có thấy hình ở trên trứng ong chúa to gấp bốn lần trứng của ong thợ không? Vì trứng ong chúa to gấp bốn lần trứng ong thợ, nên lượng thức ăn ấu trùng được ong chứa trong đó củng nhiều gấp bốn lần trứng ong thợ. Tức là ở ong dú, một ấu trùng ong muốn trở thành ong chúa thì phải ăn nhiều hơn gấp bốn lần ấu trùng ong thợ và ong đực với cùng một loại thức ăn như nhau.

3. Thời kỳ nhộng ong

Ở giai đoạn nhộng này được chia ra làm hai giai đoạn nhỏ, đó là tiền nhộng và nhộng.

 Tiền nhộng: Ở giai đoạn tiền nhộng là những ngày cuối cùng của thời kỳ ấu trùng, lúc này ấu trùng ngừng ăn, bắt đầu bài tiết phân ra ngoài đồng thời tạo ra một cái kén và bắt đầu chuyển sang giai đoạn nhộng ong.

● Nhộng: Ở thời kỳ nhộng ong, kể cả ong dú và ong mật đều không ăn trong suốt quá trình phát triển từ nhộng đến ong trưởng thành. ở giai đoạn nhộng ong dú phải mất tới tận gần 30 ngày ngày để mới có thể phát triển thành một con ong dú trưởng thành.
nhộng ong dú được gỡ bỏ lớp kén để thấy bên trong

Hình những con nhộng ong dú được gỡ bỏ lớp kén bên ngoài. Ảnh của Tim Heard

Các ổ nhộng với kén được gỡ ra để cho thấy các con nhộng bên trong (hình trên). Đôi mắt tối màu có thể nhìn thấy được, cùng với các bộ phận trưởng thành khác như là đầu và chân. Và những con ong non ở gần các con nhộng được mở ra có màu nhợt nhạt thấy rõ.

4. Phát triển thành ong trưởng thành

Vậy sau gần 50 ngày kể từ khi là trứng thì chúng mới nở thành một con ong dú trưởng thành, với ong mật thời gian này chỉ có 21 ngày với ong thợ. Và quá trình phát triển từ trứng đến ong trưởng thành của ong dú lâu hơn gấp hai lần so với các loài ong mật hiện đang được con người nuôi phổ biến hiện nay.

Trong vài ngày đầu tiên của cuộc đời loài ong dú, ong mới trưởng thành có màu hơi nhợt nhạt và sau đó màu sắc sẻ trở nên đậm màu hơn vì đã nhận đầy đủ các sắc tố trưởng thành để thành con ong dú trưởng thành. Những con ong mới nở màu còn nhợt nhạt thường thấy chúng bò và làm việc trên các lớp trứng.

ong dú non mới nở ra từ kén nhộng của nó trong tổ

Ảnh con ong dú non mới nở ra từ kén có màu nhợt nhạt. Ảnh của GLENBO CRAIG.

Một con ong mới nở ra từ cái kén màu còn nhợt nhạt, con ong dú non này sẽ trở nên tối màu hơn trong vài ngày tới khi nhận đủ các sắc tố trưởng thành.

Đặc trưng của ong dú trong quá trình phát triển

1. Keo ong trên các ổ trứng mất dần theo thời gian

Với các trứng mới đẻ của ong dú chúa, được ong thợ đóng nắp ổ trứng lại bằng keo ong, và rất dễ để phân biệt được những ổ trứng mới đẻ với những ổ trứng già khác qua độ dày hay màu sắc của keo ong trên các ổ trứng.

● Với các ổ trứng mới trong tổ ong dú được ong thợ xây với lớp keo ong kết hợp với sáp ong rất dày, không thể nhìn thấy trứng ong dú bên trong và củng có thể phân biệt qua màu sắc như là lớp keo ong dày sẻ là màu đen hoặc lớp sáp dày sẻ có màu vàng đậm, tùy giống ong mà sẻ có màu sắc khác nhau, nhưng nhìn chung, các ổ trứng mới của ong dú nhìn rất dày và màu rất đậm như chúng ta có thể thấy như hình dưới đây.

trứng ong dú mới đẻ được bọc trong lớp keo ong rất dày

Hình ảnh tổ trứng ong dú mới trong thùng nuôi ong của hai giống ong khác nhau

Hình trên tất cả đều là trứng mới đẻ của ong dú chúa, nhưng nó ở hai loài khác nhau, ở loài Lisotrigona furva (hình trên bên trái) được xây bằng sáp nhiều hơn nên có màu sáng hơn, nhưng dễ phân biệt được với màu vàng đậm và dày, còn hình bên phải của giống ong dú đen dễ phân biệt trứng mới hơn với màu đen đậm cho ổ trứng mới vì chúng được những con ong thợ xây với tỷ lệ keo ong nhiều hơn sáp.

● Các ổ trứng già nhất trong tổ trứng còn được gọi là nhộng ong và lúc này ong dú thợ đã loại bỏ lớp keo ong bên ngoài để nhộng dễ dàng cắn kén để ra ngoài hơn và kén có thể dễ dàng nhìn thấy được từ bên ngoài. Điều này bạn sẻ dễ dàng nhìn thấy được với những ổ trứng mới lớp keo ong dú thường dày giúp giữ nhiệt và ổn định bên trong, nhưng ổ trứng càng lớn tuổi thì ong thợ lại cạo keo ong ra hết chỉ để lại lớp màng kén như hai hình bên dưới.

trứng ong dú đã được loại bỏ keo ong để lại lớp kén của nhộng

Hình tổ trứng ong dú đã già của hai giống ong khác nhau - ảnh của Ong dú JiChi

Với hai hình trên ta thấy toàn là những ổ trứng già đã gần nở, hình bên trái là trứng của chi Meliponiculture, hình bên phải là giống ong dú lớn thường làm tổ trong ống tre, tất cả chúng đều có điểm chung là Kén ong trong suốt và hơi đục, có màu trắng ngà, lúc này đã không còn keo ong dú nữa, nên để lộ các con nhộng bên trong. Nhộng ong được xác định với đầu của chúng hướng lên như có thể thấy các điểm mắt màu đen nhỏ ở phía trên.

Ở giai đoạn này, nhộng mới bắt đầu thải ra phân, phân của nhộng ong được gọi là "meconium" (cho cả ong mật và ong không ngòi đốt) phân này thì nằm ở phía dưới cùng của kén.

2. Ở giai đoạn ấu trùng, ong chỉ ăn mà không thải

Cả hai ấu trùng ong mật và ong dú đều không thải ra phân cho đến khi chúng ăn đến thức ăn cuối cùng và kéo kén thành nhộng, vì vậy phân nhộng "meconium" được chứa trong kén.

con ong mật, phân meconium được loại bỏ bởi các ong thợ dọn dẹp vệ sinh tổ và tái sử dụng các lỗ tổ này, nhưng kén nhộng vẫn còn trong lỗ tổ đó. Cuối cùng, nhiều lớp kén được chồng lên, làm cho phần tổ trứng của ong mật có màu đen dần theo thời gian và giảm diện tích bên trong của mỗi lỗ tổ, và những con ong mật thợ được phát triển ra sau này có cơ thể nhỏ hơn so với những ong thợ trước vì một phần diện tích lỗ tổ đã bị kén ong chiếm giữ. Để khắc phục trường hợp này, ở giống ong mật người nuôi ong thường cho con ong xây khung cầu ong mới định kỳ để thay những cầu ong mật đã quá cũ và có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng ong thợ và gián tiếp ảnh hưởng đến năng suất mật ong trong vụ thu mật.

phân của ong dú tích trữ trong tổ của chúng như những viên rác

Hình ảnh phân của ong dú tích trữ trong tổ ong của chúng như những viên rác

Với những loài ong dú thì không như vậy, cái kén trong đó bao gồm có chứa phân của nhộng ong được lấy ra gói lại thành từng viên như viên rác (như hình trên), nếu thời tiết bất lợi thì được ong thợ để bên trong tổ đợi thời tiết nắng lên rồi các ong thợ này sẻ mang ra bên ngoài tổ dưới dạng các viên rác.

Để hiểu rõ hơn về phương pháp nuôi ong dú như thế nào, củng như hiểu con ong chúng ta đang nuôi trong thùng muốn gì, mời các bạn đọc thêm các bài viết về kỹ thuật khác tại đây

Nếu các bạn thấy hay, và có ích, thì đừng ngại và hãy để lại một like để làm động lực cho Ong dú JiChi có thêm những bài viết cực kỳ chất lượng hơn nữa, nếu bạn nào có góp ý thì xin để lại bình luận bên dưới bài viết này, website hướng dẫn nuôi ong chân thành nhận các góp ý của tất cả mọi người để nội dung trên trang web ngày một phong phú và chính xác hơn.

Xin chân thành cảm ơn bác Tim Heard đã cung cấp tài liệu tham khảo cho bài viết này.

 

Chia sẻ bài viết:
Tags: nuoi ong du ong khong ngoi dot stingless bees
Bình luận:
binh-luan

Nguyễn an ninh Trả lời

28/09/2022

Các bài viết súc tích,ngắn gọn đối tượng nào cũng hiểu được. Đọc xong là thực hành được. Cám ơn người hướng dẫn kỹ thuật và mong rằng có thêm nhiều bí quyết, kinh nghiệm thực tiễn giúp cho những người như chúng tôi mới bước vào nghề bớt thời gian tìm kiếm. Chúc bạn nhiều thành công và trở thành chuyên gia nuôi ong dú.

Viết bình luận của bạn:

Giỏ hàng