Tầng nền nuôi ong hay còn gọi là Chân tầng ong không còn xa lạ gì với người nuôi ong. Nhưng nhiều người mới nuôi ong không biết nên mua chân tầng ong mật ở đâu, hay các trại ong đang phân vân có nên tự làm tầng nền để dùng cho trại ong không, khi ngoài kia nền ong bị thuốc quá nhiều...
Tầng Nền Nuôi Ong Mật Là Gì - Beeswax Foundation
Tầng nền nuôi ong nói một cách dễ hiểu là 1 miếng sáp được cán mỏng dày từ 1mm-2mm trên 2 mặt của miếng sáp được dập các lỗ hình lục giác bằng với kích thước của 1 lỗ tổ ong mật. Từ lỗ nền này ong sẻ xây tiếp cao lên thành những lỗ tổ có độ cao hoàn chỉnh để chứa mật ong, phấn hoa và củng là nơi để đẻ trứng và nuôi ấu trùng...
Hình 1. Những tấm tầng nền dùng để nuôi ong mật
Kích thước của các ô lăng trên hai mặt của tầng nền có khác nhau ở mỗi giống ong. Với loài ong mật nội địa thì lỗ ô lăng nhỏ hơn so với ô lăng trên tầng nền của ong ngoại. Và ở cùng một giống ong nội địa nhưng các ô lăng này lại củng có loại to nhỏ tùy theo vùng miền. Như ong nội ở các khu vực miền Bắc thì các ô lăng này to hơn so với tầng nền của ong nội ở phía Nam.
Hình 2. Các lỗ ô lăng trên nền một tấm tầng chân ong nội
Vật Tư Ngành Ong Mật - Chân Tầng Ong Có Mấy Loại?
Thị trường bán dụng cụ nuôi ong mật hiện nay, có rất nhiều loại tầng chân với nhiều kích cỡ và màu sắc khác nhau phù hợp với từng giống ong khác nhau.
Dựa vào kích thước thì tầng nền được chia ra làm 2 loại đó là tầng nền ong nội và tầng nền ong ý
Hình 3. Khung cầu nuôi ong đã được gắn chân tầng hoàn chỉnh
Kích thước ô lăng của tầng nền rất quan trọng đối với đàn ong của bạn.
Ví dụ. Nếu bạn là người nuôi ong nội ở miền Nam, nhưng lại mua tầng nền của một nhà cung cấp tầng nền ở miền Bắc, và người bán tầng nền này lấy nền của ong nội miền Bắc bán cho bạn. Về bạn gắn tầng chân đó vào và cho ong xây cầu, sau 10 ngày, bạn phát hiện ra rằng, tất cả nền đó ong chúa đẻ toàn ong đực không có được một lỗ ong thợ. Như hình dưới
Hình 4. Bánh tổ nhộng ong đực nhô lên chiếm đa số
Với đám ong đực này, nó có thể giúp gì cho bạn trong việc lấy mật ong đây, hay là bạn đang muốn mở một công ty "cho thuê ong đực giao phối".
Tốt nhất là khi mua tầng nền, phải hỏi cho rõ ràng người bán, xuất xứ của tầng nền này là ở đâu, và công ty uy tín hay không là điều cực kỳ quan trọng vì trong nền nhiều khi còn chứa chất độc giết chết cả một tổ ong đấy.
Kích Thước Tầng Nền Nuôi Ong
Như đã biết, tầng nền có 2 loại, 1 loại dùng cho ong nội và loại còn lại là dùng cho ong ý.
Tầng Nền Ong Nội
Để phù hợp với đặc tính sinh học của ong nội là tính tụ đàn kém và tụ đàn theo hình cầu nên một kích thước chuẩn cho tầng nền ong nội là 33cmx18.5cm như Hình 5 là chuẩn cho giống ong nội Việt Nam và vừa khít với thùng ong nội cải tiến.
Hình 5. Kích thước chân tầng ong nội
Tuy ở mỗi khu vực và mỗi nhà sản xuất tầng chân sẻ có một kích thước riêng, nhưng nó sẻ không chênh lệch so với kích thước như Hình 5 không bao nhiêu.
Chân Tầng Ong Ngoại
Với thùng nuôi ong ngoại lớn hơn so với thùng ong nội thì một tấm nền ong ngoại có kích thước lớn và khít với khung cầu ong ngoại là cần thiết để ong đỡ phải tốn sức và thức ăn xây kín khung cầu. Và kích thước của tầng nền ong ngoại là 40cmx20cm
Hình 6. Chi tiết tầng nền ong ngoại.
Tầng Chân Nên Mua Hay Tự Làm?
Ở đây chúng tôi không hướng dẫn cách làm ra tầng nền, nếu bạn muốn biết kỹ thuật làm ra một tấm chân tầng và những nguyên liệu cần thiết để làm được chân tầng nuôi ong như thế nào, bạn có thể xem thêm tại đây.
Bài này Ong dú JiChi sẻ cho bạn lời khuyên rằng, nên mua hay nên làm tầng nền để nuôi ong mật thì tốt nhất cho bạn?
Giá Chân Tầng Hiện Tại
Để trả lời được câu hỏi “Nên mua hay làm tầng nền thì tốt?” chúng ta cần phải biết được giá bán tầng nền trên thị trường là bao nhiêu để có thể so sánh được về lợi ích kinh tế giữa đi mua có lợi hay là tự làm có lợi.
Bảng giá tầng nền nuôi ong ở cả 2 giống ong là ong nội và ong ngoại đều có giá bán lẻ trên thị trường là 10.000 đồng 1 cái được cập nhật mới nhất hàng ngày trong bài viết này.
Và lợi nhuận mà người bán cuối cùng nhận được từ 1k/nền đến 2k/nền, tùy theo số lượng nhiều hay ít. Bán nền lời ít nhưng là vật tư cần thiết hàng ngày của các trại ong nên bán được số lượng nhiều và thường xuyên.
Mua Tầng Nền Ở Đâu Tốt Nhất
Hiện tại thì các mạng xã hội và các kênh bán hàng qua thương mại điện tử đang phát triển rất mạnh, và các vật tư nuôi ong ngày càng được bán nhiều hơn và càng dễ mua, dễ vận chuyển hơn.
Các bạn có thể tìm mua tầng nền ong mật này tại những shop bán hàng online hay cửa hàng trực tiếp đều được. Tầng chân được bán chung với các dụng cụ nuôi ong khác, và tất cả các nhà cung cấp thiết bị nuôi ong nào củng đều có bán tầng nền ong mật cả.
Nhưng chúng tôi có lời khuyên thế này, bạn ở miền nào thì nên mua nhà cung cấp dụng cụ nuôi ong gần bạn nhất hoặc củng tỉnh thì càng tốt, vì tầng nền nó thích hợp với giống ong bạn nuôi nhất, vì ong mật cùng một giống nhưng chúng có loại nhỏ, loại to khác nhau theo vùng miền, nên vì thế mà tầng nền của mỗi miền lại có kích thước ô lăng khác nhau. Sự khác nhau này rất nhỏ, chúng ta khó phát hiện bằng mắt thường được.
Đấy là kinh nghiệm của chúng tôi bao năm nuôi và mua bán vật tư ngành ong chia sẻ lại cho mọi người biết và chú ý, kẻo mua củng tầng ong nội mà về ong chúa lại đẻ toàn ong đực, rồi đè ra thay chúa thì thôi rồi @@.
Lợi Ích Mua Sáp Nền Ong
1. Không tốn thời gian và công sức
Việc làm ra một tầng chân để nuôi ong rất mất thời gian và phải làm thủ công từng cái với cá nhân, trong khi bạn đi làm và không có thời gian làm tầng nền thì mua tầng nền là một giải pháp tốt nhất cho bạn lúc này.
2. Tầng nền chuẩn, đẹp mắt và độ bền cao
Với việc sản xuất chân tầng ong là việc làm hàng ngày của các công ty, nên những tầng chân được mua luôn có một kích thước chuẩn, độ dẻo và đàn hồi tốt, màu sắc đẹp, vuông vứt và có thể bảo quản lâu với điều kiện bên ngoài.
Rủi Ro Với Sáp Nền Mua
1. Mua nhầm tầng khác kích cỡ ô lăng
Như đã chia sẻ, tầng nên ong được chia ra làm 2 loại là tầng ong ý và tầng ong nội, nhưng trong tầng ong nội lại được chia ra các vùng bắc, trung, nam vì con ong mật nội có xu hướng nhỏ dần từ Bắc vào Nam nên tùy vùng sẻ có người bán tầng nền thích hợp cho vùng đó. Nếu mua nhầm tầng có ô lăng lớn hơn ong chúa sẻ đẻ toàn ong đực.
2. Ngộp hóa chất
Công ty sản xuất chân tầng thường pha thêm 1 lượng dầu Parafin vào để làm tầng được dẻo hơn, nhưng vì mục tiêu lợi nhuận mà lượng Parafin này được tăng lên rất nhiều để giảm lượng sáp ong nguyên chất xuống nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất và tăng lợi nhuận đầu ra. Với những tầng chân mà được sản xuất với lượng Parafin cao hơn bình thường sẻ làm cho nhộng ong bị ngộp hóa chất bởi dầu Parafin và chết trong giai đoạn tiền nhộng và hậu nhộng.
Hình 9. Các lỗ tổ nhộng ong bị chết trong khi đang cắn vít nắp lưng chừng hoặc đã chết trước đó
Biểu hiện của ngộp hóa chất là nhộng ong bị chết trong khi đang cắn vít nắp để ra ngoài hoặc đã chết trong giai đoạn tiền nhộng và thành ấu trùng thối và lỗ tổ bị xẹp xuống và được ong thợ khui vít nắp và chuẩn bị gấp ấu trùng chết ra ngoài để tránh lây nhiễm bệnh cho các ấu trùng và nhộng khác còn lại trong tổ ong.
3. Tầng nền bị nhiễm độc
Trong nguyên liệu làm tầng nền có các yếu tố độc và gây chết ong. Khi các công ty sản xuất chân tầng thu mua sáp ong hoặc đổi sáp ong về làm nền đặc biệt là ong ý. Lúc này trong sáp ong đã bị nhiễm độc sẳn, khi mua về chẳng ai bỏ tiền ra mà kiểm định độc tính trong sáp ong cả mà bỏ vô nấu và đúc chân tầng luôn. Tầng chân được sản xuất từ sáp bị nhiễm độc này, làm nền cho ong xây tổ ấu trùng ong sẻ bị chết nếu lượng độc tính cao, và nhộng ong sẻ chết trong giai đoạn vít nắp.
Hình 10. Tầng nền nhiễm độc, nhộng ong và ấu trùng chết hàng loạt
Dấu hiệu ong chết khi bị độc tầng chân là nhộng ong chết và thè lưỡi khi đang cắn vít nắp, nhộng trần, thối ấu trùng túi, hở vít nắp nhộng và đây củng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các bệnh trên.
Tự Làm Chân Tầng & 4 Gợi Ý Cho Người Nuôi Ong
Một vài trại ong lớn hay những người nuôi ong lâu năm họ lại thích tự tay mình làm tầng nền để cho ong xây tổ hơn là đi mua hoặc đổi của công ty. Vì đơn giản là họ hiểu con ong của họ hơn là công ty hiểu con ong của họ, và một phần vì các trại ong này đã củng nhiều phen "té ngửa" với tầng chân "dỏm" làm chết ong trong trại ngay đúng mùa mật.
Đối với một vài người mới nuôi, người thích học hỏi, khám phá cái mới. Họ lại thích tự tay mình làm được tầng chân để nuôi ong, thì công việc tự làm ra 1 tầng nền cho ong xây tổ là một niềm vui thú của họ mà còn lại đảm bảo an toàn và chất lượng từ sáp ong nguyên chất mà họ biết rõ nguồn gốc.
Vậy nên mua tầng nền hay là tự làm thì củng tùy thuộc vào mỗi người mà có câu trả lời cụ thể hơn. Nhưng chúng tôi có thể đề xuất 4 gợi ý sau bạn có thể xem và liên hệ bản thân.
► Nếu bạn là trại ong lớn, nuôi nhiều và muốn tạo uy tín trong cộng đồng. Bạn nên tự làm tầng nền sẻ tốt hơn vì bạn biết rõ những gì bạn làm và chất lượng mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa v.v. Tất cả đều là sản phẩm sạch, thuần thiên nhiên, rất dễ tạo được hiệu ứng tốt với khách hàng.
► Bạn là người mới, người thích tìm hiểu, thích DIY và có điều kiện thì bạn nên sắm cho mình 1 bộ dụng cụ làm tầng chân loại nhỏ từng cái vừa thỏa đam mê, vừa có tầng chất lượng tốt lại an toàn không sợ thuốc.
► Bạn nuôi ong theo hướng hộ gia đình, nuôi từ 10 đến 200 đàn, và bạn đang đi làm công ty, hay công việc khá nhiều và ít thời gian rỗi, bạn đã có kinh nghiệm trong nuôi ong, bạn đã có một nhà cung cấp tầng chân uy tín và bạn đang dùng rất tất tốt. Vậy thì việc gì bạn phải tốn thời gian để làm thêm việc của người bán tầng nền. Ai củng làm hết thì lấy ai mà mua.
► Bạn có trại ong từ 300, 400, 500 đàn, bạn chỉ có 1 mình hoặc 2 người, công việc ở trại rất nhiều bạn không thể nào kham nổi, và bạn tin tưởng công ty bán tầng nền cho mình, vậy tại sao lại phải tự tay làm tầng nền chi cho khổ.
––––••––––
Với các gợi ý, kết luận và những gì chúng tôi chia sẻ, chúng tôi mong nhận được sự đóng góp chân thành theo hướng xây dựng hoàn thiện bài viết ngày một tốt hơn. Bạn nào có ý nào hay, cách nhìn độc đáo, sâu sắc và góp ý cho bài viết, vui lòng "bình luận" bên dưới để mọi người có thể học hỏi và tránh những "tai nạn" nghề nghiệp không đáng có.
Nếu thấy hay, đừng quên like, share để chúng tôi có thể động lực tiếp tục phát triển website và kênh youtube ngày một tốt, chất và hay hơn
JiChi Trân Trọng Cảm ơn!
––––••––––
Bài viết được xây dựng dựa trên các nguồn tài liệu
(1) Tài liệu được tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau
(2) Kinh nghiệm thực chiến của các trại nuôi ong tại Việt Nam chia sẻ
(3) Một vài tài liệu về ong và thuốc bảo vệ thực vật được dịch từ giáo trình kỹ thuật nuôi ong bằng tiếng Anh của nước ngoài
(4) Hiểu biết thực chiến của những người nuôi ong nội và ong ý chuyên nghiệp tại Việt Nam chia sẻ.